VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở Tổ

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 109 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIII, chiều ngày 02/6/2015 Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Nam, Điện Biên và Sóc Trăng. Đồng chí Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch Nước, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cùng dự thảo luận.

    Về dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, các đại biểu Quốc hội trong Tổ đều cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, tuy nhiên báo cáo thẩm tra chưa nêu rõ nét và định hướng các ý kiến về bổ sung quy định Kiểm Ngư, cơ quan Thuế, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đại biểu còn băn khoăn không nên giao cho các cơ quan này thẩm quyền điều tra bởi chưa cần thiết và đã có các cơ quan khác hiện đang đảm nhận việc này như cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng…. chỉ nên quy định giao quyền thu thập cung cấp chứng cứ và trong vòng 7 ngày thì chuyển cho cơ quan điều tra.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Tổ

    Về thẩm quyền của Công an xã, các đại biểu không đồng tình quy định được điều tra vì công việc này đòi hỏi phải được đào tạo có trình độ chuyên môn cao, có quá trình công tác nhất định trong kh hiện nay đa số công an xã trình độ hạn chế, đào tạo chưa chuẩn hoá dễ gây ra lạm quyền dẫn đến bức cung nhục hình… vi phạm quyền công dân, quyền nhân thân đã được Hiến pháp 2013 quy định.

    Về điều tra viên, các đại biểu đều chung quan điểm là phải được bổ nhiệm thông qua thi tuyển để nâng cao chất lượng điều tra viên và tương thích với các chức danh của Luật Tổ chức Toà án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và sắp xếp theo thứ tự từ điều tra viên cao cấp, trung cấp và sơ cấp.

    Về cán bộ điều tra các đại biểu đề nghị không nên quy định thêm chức danh này để đảm bảo tương thích giữa các chức danh của toà án và viện kiểm sát, đảm bảo gọn đầu mối, tăng cường trách nhiệm. Khái niệm cán bộ còn chung chung, trừu tượng và gây nhầm lẫn cần phải có định nghĩa rõ ràng, đề cao trách nhiệm của chức danh điều tra viên.

    Về điều tra đối với một số trường hợp phát hiện tội phạm ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đại biểu đồng tình cơ quan điều tra được khởi tố, điều tra đối với tội phạm này để đảm bảo tính liên tục, tuy nhiên cũng quy định cho phép tách ra ở một số trường hợp nếu như việc điều tra giải quyết vụ án không toàn diện, đầy đủ, hiệu quả không cao.

    Đối với mô hình cơ quan điều tra các đại biểu đề nghị tổ chức Bộ máy phải đảm bảo tinh gọn, hiệu quả không chồng chéo, đồng tình sáp nhập một số cơ quan có chức năng gần nhau hoặc trùng lắp như dự thảo luật.
Các đại biểu cũng chỉ ra nhiều điều trong luật này còn lẫn lộn với Bộ luật tố tụng hình sự như tại các điều 11, 14, 53… dẫn đến cùng một vấn đề được quy định tại hai luật khác nhau.

    Về dự án luật Tạm giữ, tạm giam, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tách bạch rõ cơ quan công an điều tra và công an tạm giữ, tạm giam để tranh oan sai, bức cung, nhục hình. Việc gắn camera theo dõi điều tra cung có bất cập là phụ thuộc vào cơ sở vật chất và lợi dụng để kéo dài tiến độ điều tra với lý do kỹ thuật. Các đại biểu không đồng tình việc quản lý thi hành án tử hình chỉ ở 2 địa phương vì hiện nay có bất cập khi phải di chuyển bị án đi thi hành án rồi lại mang xác tử tù về địa phương mai táng   rất phức tạp, tốn kém nhiều lần so với hình thức xử bắn trước đây.

    Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng cần làm rõ nội hàm của tên luật và nội hàm của các thuật ngữ tạm giữ, tạm giam và giam giữ (khi đã thành án). Thực chất nội dung dự thảo có phạm vi rộng hơn nhiều so với tên của luật. Nhiều chế định của tạm giữ, tạm giam còn lẫn với chế định đối với người đã thành án phải giam giữ do đó đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm ba cấp độ là tạm giữ, tạm giam và giam giữ nếu lẫn lộn thì sẽ dẫn đến trái Hiến pháp 2013 và oan sai cùng nhiều hệ lụy khác.

    Về hình thức kỷ luật đối với người bị tạm giữ vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ như cách ly, cùm chân tại điều 23 đại biểu không đồng tình vì họ vẫn còn quyền công dân, chưa bị kết án. Đại biểu cũng đề nghị luật phân biệt rõ 4 nhóm điều chỉnh gồm tạm giữ, tạm giam, giam giữ và giam giữ chờ thi hành án tử hình để đảm việc thi hành luật đúng quy định.

Nguyễn Đặng Ân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *