VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Luật trưng cầu ý dân và Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi)

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 78 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Chiều 03/6/2015 Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ 18  về Luật trưng cầu ý dân và Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi).

    Các vị đại  biểu Quốc hội tán thành việc xác định những vấn đề cần phải trưng cầu ý dân một cách khái quát mang tính nguyên tắc không thể liệt kê hết các trường hợp cụ thể.

    Về phạm vi vấn đề trưng cầu ý dân thực ra trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có những quy định nhất định. Về Điều 13 đại biểu tán thành phương án 1 quy định Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu có quyền đề nghị trưng cầu ý dân và những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề  về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh phát biểu thảo luận

    Về cơ quan phụ trách tổ chức trưng cầu ý dân là Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ  Quốc hội. Kết quả trưng cầu ý dân quan tâm cụ thể hơn sử dụng kết quả trưng cầu ý dân. Về Hiến pháp các đại biểu cho rằng cần ít nhất phải có 2/3 số đại biểu Quốc hội tán thành thì mới trưng cầu ý dân vì đây là vấn đề rất quan trọng liên quan đến sinh mệnh của cả quốc gia, các vấn đề khác phân loại thành nhóm riêng và chỉ cần có 50% đại biểu Quốc hội tán thành là được.

    Về thời gian công bố kết quả trưng cầu ý dân các đại biểu cho rằng quy định 15 ngày như dự thảo là quá ngắn không đủ thời gian để xử lý kết quả, nếu kết quả không chính xác thì hậu quả sẽ rất lớn do đó đề nghị nâng lên 30 ngày. Cũng có ĐBQH cho rằng việc trưng cầu ý dân phải làm rõ khái niệm và thực hiện thường xuyên ở những phạm vi nhỏ như trong 1 phường, một khu dân cư, dự án thì mới đáp ứng yêu cầu thực tế, còn những vấn đề quy định trong luật có thể vài năm cũng không tổ chức trưng cầu ý dân nhưng những vấn đề phạm vi nhỏ ở cơ sở thì luôn nóng hàng ngày.

    Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng đồng tình việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, đáp ứng yêu cầu thực tế. Về những vấn đề khác đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân là vấn đề gì cũng cần quy định rõ và chặt chẽ hơn về tiêu chí, điều kiện; làm rõ phạm vi để không trùng với các vấn đề đã được quy định ở các luật khác. Tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ quyền của mình được có ý kiến. Về giám sát trưng cầu ý dân ở địa phương đề nghị bổ sung thêm một chủ thể là Đoàn ĐBQH tỉnh. Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh cũng yêu cầu cần quy định việc lập danh sách cử tri cần quy định rõ và rà soát về cách làm cho khoa học và không trùng với luật khác và cũng không quá phức tạp không cần thiết. Đồng tình quan điểm này đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng không nhất thiết các cử tri đều phải có nghĩa vụ trách nhiệm đi bỏ phiếu mà chỉ cần những người quan tâm đến vấn đề được trưng cầu ý dân và cũng không nhất thiết phải khống chế về thời gian bỏ phiếu như bầu cử.

    Về Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi), việc lấy tên là Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi) thay vì sửa đổi, bổ sung một số điều là hợp lý vì  nội dung bổ sung 108 điều, sửa đổi 107 điều nâng tổng số điều của dự thảo luật lên 366 Điều trong đó bổ sung cảng cạn, bảo vệ môi trường vào luật, bổ sung nội dung của pháp lệnh bắt giữ tàu biển cho phù hợp thực tiễn. Các ý kiến đồng tình chính sách phát triển hàng hải về đội tàu đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải. Đề nghị tăng cường quản lý cơ sở vật chất liên quan đến các cơ quan quản lý tránh xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc như vừa qua. Quy định chặt chẽ, cụ thể về cảng biển cảng vụ, cơ quan quản lý nhằm thực hiện việc quản lý, đầu tư được khoa học, chặt chẽ, minh bạch. Những khái niệm mới cũng cần được định nghĩa rõ ràng như đóng mới, hoán cải, phá dỡ tàu biển tránh việc tùy tiện lợi dụng làm thất thoát tài sản của nhà nước. Về phân loại cảng biển đại biểu Nguyễn Lâm Thành  đồng tình phân ra 3 loại nhưng  đề nghị cảng biển có quy mô vừa phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của vùng, địa phương nên chuyển từ loại II xuống loại III; việc quy hoạch cảng biển nên quy định tích hợp các dịch vụ về nghề cá. Việc đưa quy định cảng cạn vào luật này cũng cần cân nhắc xem có hợp lý không; xem xét hoa tiêu có phải là một ngành nghề không cho phù hợp với các luật khác.

    Chiều ngày 04/6 Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về dự án Luật thống kê (sửa đổi) và dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Đặng Ân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *