VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Quốc hội thảo luận về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004- 2014”

Thứ Bảy, 12 Tháng Mười Hai, 2015 140 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII, ngày 10/11/2015 các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014”.

    Tại buổi thảo luận, hầu hết các ý kiến của đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 và thống nhất cao việc Quốc hội ban hành nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức khác có nguồn gốc đất đai từ nông trường, lâm trường quốc doanh.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận

    Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng các chính sách quy định pháp luật về quản lý sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh được hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, quản lý tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích doanh nghiệp địa phương và người dân, đã góp phần ổn định kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Tuy nhiên, các nông, lâm trường hiện nay quản lý diện tích đất đai lớn, song phần lớn sử dụng đất kém hiệu quả, năng suất, nộp ngân sách nhà nước hàng năm không đáng kể so với mức đầu tư của nhà nước. Việc quản lý đất đai chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết tranh chấp về đất đai đến nay đạt tỷ lệ rất thấp. Chính sách đầu tư tín dụng tài chính cho lâm nghiệp nói chung và cho các công ty lâm nghiệp nói riêng có nhiều bất cập và hạn chế…

    Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị cần thực hiện một số giải pháp: tăng cường bố trí các nguồn lực để thực hiện các chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển lĩnh vực nông, lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về đất ở, đất sản xuất đối với các tỉnh miền núi và biên giới; tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến chính sách về rừng. Trên cơ sở đó bãi bỏ, bổ sung các chính sách phù hợp nhằm bảo đảm cho người dân sản xuất nông nghiệp sống gần rừng có đất sản xuất, đảm bảo đời sống, cần có quy định về định mức, tiêu chí nhất định đối với loại hình các công ty nông, lâm nghiệp. Tránh tình trạng các đơn vị được giao diện tích lớn quá nhưng sử dụng không hiệu quả; có quy định về định hướng, hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để đánh giá hiệu quả sử dụng đất của các công ty nông, lâm trường, làm căn cứ để xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, trên cơ sở đó thu hồi phần diện tích sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích để giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, đồng thời tạo ra quỹ đất để quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần có chính sách định hướng đối với các công ty nông, lâm nghiệp tập trung vào làm các dịch vụ khoa học, kỹ thuật, cung cấp cây con, giống có chất lượng cao, bao tiêu sản phẩm, đầu tư chiều sâu vào chế biến để tạo ra hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm, thay vì chỉ sử dụng diện tích lớn để trồng rừng như hiện nay.

    Đại biểu nhất trí việc ban hành Nghị quyết quản lý về nông, lâm trường, tuy nhiên trong nội dung nghị quyết cần làm rõ trách nhiệm của Trung ương và trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm của người dân để có sự chỉ đạo định hướng trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng đất tại các nông lâm trường quốc doanh tránh lãng phí như hiện nay.

                                                                     Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *