VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật phí và lệ phí

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 134 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII ngày 18 tháng 6 năm 2015, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật phí và lệ phí gồm 6 chương, 23 điều. Tại phiên thảo luận các đại biểu nhất trí về việc ban hành luật là việc cần thiết nhằm khắc phục những bất cập trong quản lý hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn Lạng Sơn phát biểu tại hội trường

    Chính sách phí và lệ phí phải làm sao đáp ứng được yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính góp phần giảm những chi phí về hành chính và minh bạch trong các hoạt động quản lý của nhà nước, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đời sống của người dân và sản xuất của doanh nghiệp. Các đại biểu đề nghị cần quan tâm đến tính công khai và công bằng trong chính sách phí, lệ phí bởi trên thực tế có một số khoản phí và lệ phí thiếu công bằng, các quy định của luật cần tính đến quyền lợi, lợi ích và nghĩa vụ của người dân một cách hợp lý để khắc phục việc lạm thu, phí chồng phí; nhiều ý kiến về thu phí trước bạ đối với xe gắn máy được quy định mức thu theo tỷ lệ khác nhau giữa các địa phương. Đây là điều không công bằng đối với người dân vì khi một chiếc xe máy đến tay người dân đã phải chịu quá nhiều các loại phí lệ phí; cần phải quy định rõ khái niệm thế nào là phí, thế nào là lệ phí trong luật; đối với các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 15 dự thảo các đại biểu yêu cầu cần thiết phải quy định các hành vi nghiêm cấm trong Luật phí và lệ phí nhưng cần bao quát hơn, chặt chẽ hơn đối với các trường hợp đã phát sinh trong thực tiễn, như hành vi vi phạm về chế độ quản lý, thu nộp phí, lệ phí, như nộp chậm, nộp thiếu, thâm hụt, sử dụng các khoản thu phí và lệ phí.

    Các đại biểu cũng đề nghị luật cần bổ sung thêm một khoản quy định về xử lý vi phạm đối với các hành vi bị nghiêm cấm đảm bảo các khoản phí và lệ phí sẽ được thu đúng, thu đủ và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. về miễn giảm phí, lệ phí, tại Điều 9 việc đặt ra quy định về miễn giảm phí, lệ phí là cần thiết, các đối tượng được miễn giảm theo quy định tại Điều 9, dự thảo luật là phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hài hòa, thống nhất giữa Luật phí, lệ phí với các luật thuế hiện hành thì trong luật cần quy định cụ thể hơn về trường hợp nào được miễn, trường hợp nào được giảm phí, lệ phí và mức hoặc khung miễn giảm tối đa cho từng trường hợp. Hơn nữa, do tính chất của phí và lệ phí là người đi làm dịch vụ và nộp phí, lệ phí là người thụ hưởng dịch vụ công đôi khi không phải là một, do vậy luật nên quy định rõ nguyên tắc giảm phí, lệ phí cho người đi làm dịch vụ và nộp lệ phí, phí hay cho người thụ hưởng dịch vụ công để tránh tình trạng lợi dụng trốn tránh nghĩa vụ nộp phí, lệ phí. Về hiệu lực thi hành của Luật các đại biểu đề nghị được thông qua vào kỳ họp thứ 10 để ngày 1/1/2016 luật có hiệu lực thi hành. Nếu để 1/1/2017 là quá lâu, vì đây là luật được nhân dân rất quan tâm.

    Ông Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn các khái niệm về phí, lệ phí cùng với giá dịch vụ theo đúng bản chất quản lý kinh tế, làm rõ sự khác biệt của 3 loại trên và là căn cứ để phân định danh mục phí, lệ phí được chính xác, phù hợp, đặc biệt giúp cho người dân có thể hiểu được và thực hiện được vì trên thực tế người dân không biết được đâu là dịch vụ công, đâu không phải là dịch vụ công và đâu là nộp phí, đâu là lệ phí, đâu là giá dịch vụ, đại biểu đề nghị những khái niệm này cần phải được xác định rõ và lệ phí phải gắn với dịch vụ hành chính công và phí gắn với dịch vụ công; đại biểu đề nghị bổ sung một điều về nguyên tắc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí đó là bảo đảm thu hợp lý, thu đúng, đủ, công khai minh bạch và thống nhất trong quản lý sử dụng; Về danh mục phí, lệ phí, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát đầy đủ, thống kê tất cả các danh mục phí, lệ phí, phí chuyển sang giá đã được quy định ở các luật chuyên ngành. Xác định lộ trình phù hợp cho từng loại dịch vụ. Đại biểu đề nghị xem xét việc chuyển sang giá dịch vụ như đối với giáo dục, y tế, các hoạt động vệ sinh, môi trường, dịch vụ công cộng khác cũng cần được xem xét thận trọng, cần phân loại và có lộ trình thích hợp vì phạm vi tác động rộng liên quan đến các nhóm đối tượng là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đối tượng bảo trợ xã hội vì những đối tượng này hiện đang vẫn cần những chính sách bảo trợ của Nhà nước như trong giáo dục phổ thông chúng ta đang chủ trương phổ cập ở các cấp, chưa nên chuyển toàn bộ sang cơ chế giá đối với hệ thống giáo dục công lập.

                                               Đàm Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *