VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 128 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ chín, sáng ngày 10/6/2015, các đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) gồm 26 chương, 708 điều. Đây là Bộ luật được xây dựng công phu, thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược cải cách tư pháp. Dự thảo cũng đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành-Đoàn Lạng Sơn phát biểu thảo luận

    Hầu hết các vị đại biểu tán thành những quy định của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự (các điều 5,6, 14), về quyền nhân thân (từ điều 25 đến điều 38), về hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (Điều 102); lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (Điều 168), về thời hiệu và thời hiệu thừa kế…Phát biểu ý kiến về việc áp dụng pháp luật và tập quán, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng cần có quy định hết sức chặt chẽ, có hướng dẫn cụ thể về quá trình thực hiện, nhất là đối với việc áp dụng tập quán để tránh tùy tiện trong áp dụng; về “lẽ công bằng” cần phải quy định rõ trên cơ sở được sự đồng thuận của xã hội để bảo đảm tính thống nhất, nghiêm minh của pháp luật; về quy định hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân cần xác định thời điểm hình thành hộ gia đình và tư cách các thành viên trong gia đình, quy định về người đại diện tổ hợp tác; tán thành quy định về thời hiệu để các chủ thể bảo vệ các quyền, lợi ích của mình.

    Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng án lệ và luật tục cần phải nghiên cứu, tập hợp để chọn lọc để áp dụng; tại khoản 1 Điều 5 đề nghị bổ sung khái niệm “…được thừa nhận và áp dụng một cách rộng rãi, được cộng đồng xã hội thừa nhận, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài…”; về quyền nhân thân đại biểu đề nghị những điều luật về quyền nhân thân được quy đinh ở những Luật khác phải được đưa vào Bộ luật này; về quyền xác định xác định lại dân tộc (khoản 5 Điều 29), đại biểu đề nghị bỏ đoạn “gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam”; về quyền xác định giới tính (khoản 2, Điều 36) đại biểu đề nghị bổ sung quy định: Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện cho cá nhân khi yêu cầu xác định lại giới tính”…

    Cũng trong buổi chiều ngày 10/6, Quốc hội họp phiên toàn thể xem xét, thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *