VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại Hội trường và tại Tổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ Ba, 28 Tháng Năm, 2024 253 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tại phiên làm việc buổi sáng ngày 24/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng Đoàn.

Tham gia phát biểu thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Lưu Bá Mạc cho biết dự thảo Luật quy định “trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc công nhận, ghi danh hình thức khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan, ngoài việc thực hiện theo quy định của luật này còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan”. Đại biểu Lưu Bá Mạc đề xuất cân nhắc sửa thành “trường hợp tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc được xác định là một trong các loại hình di sản văn hóa thì phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa”, nghĩa là áp dụng theo một luật. Đại biểu nêu rõ, cần phải xác định, phân tách rõ ràng trong việc áp dụng quy định pháp luật đối với hai trường hợp khác nhau. Khi còn là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt thì thực hiện biện pháp bảo vệ, phát huy tài liệu lưu trữ lịch sử có giá trị đặc biệt theo quy định tại dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) là hợp lý. Tuy nhiên, khi tài liệu lưu trữ đặc biệt được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc di sản tư liệu thì cần phải thực hiện biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị bảo mật quốc gia và di sản tư liệu theo quy định tại Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) mà dự thảo Luật Di sản văn hóa sắp tới đang thực hiện.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, phát biểu thảo luận tại Hội trường

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại ở về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) tại tổ thảo luận 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk trong buổi thảo luận đã có 10 ý kiến phát biểu, ĐBQH các tỉnh cơ bản đồng tình với nội dung của 02 dự thảo luật được đưa ra thảo luận.

Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn có 03 ý kiến tham gia phát biểu của các đại biểu  Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; đại biểu Phạm Trọng Nghĩa và đại biểu Chu Thị Hồng Thái. Theo đó, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo 2 luật được đưa ra thảo luận.

Đối với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đại biểu tỉnh Lạng Sơn nhất trí với dự thảo luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đại biểu tỉnh đề nghị ban soạn thảo rà soát, giải thích rõ hơn một số từ ngữ quy định tại một số điều, khoản của dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với các luật khác như: Luật Giám định tư pháp, Bộ luật Hình sự; nhất là Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; đề xuất xem xét bỏ Điều 2 dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng là “Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ” do đối tượng điều chỉnh không có quy định về đối tượng cá biệt.

Đại biểu Triệu Quang Huy, phát biểu thảo luận tại Tổ

Bên cạnh đó, theo Báo cáo số 133/BC-BCA-C06 ngày 16/01/2024 của Bộ Công an tổng kết 05 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (trang 17) thì “Một bộ phận Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nên chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật trong lĩnh vực này”. Đại biểu đề nghị bổ sung chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, phát biểu thảo luận tại Tổ

Tại dự thảo luật chưa có quy định riêng về chính sách của Nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung 01 Điều quy định về vấn đề này. Trong đó, xác định những nội dung mà Nhà nước độc quyền, những lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên đầu tư hoặc tạo cơ chế khuyến khích các chủ thể khác trong xã hội đầu tư như vấn đề sản xuất vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để xuất khẩu.

Đàm Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *