VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tham gia chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Tư, 20 Tháng Ba, 2024 148 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Ngày 18/3/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao tại phiên họp thứ 31. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến đến 62 tỉnh, thành trên cả nước; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn. Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.

Các đại biểu dự họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp lần này được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin và đề xuất của các Đoàn ĐBQH, ý kiến của các vị ĐBQH và xuất phát từ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực tài chính và lĩnh vực ngoại giao.

Trong phiên chất vấn buổi sáng về lĩnh vực tài chính các đại biểu đã chất vấn nhiều nội dung như: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu; công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá…; đã có 43 đại biểu chất vấn, 04 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thuộc 4 nhóm vấn đề.

Liên quan đến vấn đề thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, đại biểu Triệu Quang Huy – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Tài chính về những giải pháp cụ thể trong thời gian tới, nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế đối với vấn đề hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chưa phù hợp với yêu cầu về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tồn tại trong việc kết nối, trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước để đồng bộ hóa dữ liệu của hệ thống một cửa quốc gia hiện nay đáp ứng yêu cầu kết nối, trao đổi thông tin với hệ thống xử lý dữ liệu của các ngành nói chung, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan nói riêng cũng như đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan.

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính

Trả lời chất vấn của đại biểu Triệu Quang Huy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng trong thời gian vừa qua, nhìn chung là các cơ quan Bộ Tài chính, như kho bạc, hệ thống thuế, hệ thống hải quan là hệ thống công nghệ thông tin hết sức hiện đại, phục vụ cho vấn đề phát triển kinh tế, thông quan, vấn đề xuất nhập khẩu, thu thuế rất thuận lợi. Tuy nhiên, hệ thống công nghệ thông tin của Hải quan đến nay đã lạc hậu. Trước đây được tổ chức JICA của Nhật Bản tài trợ cho một dự án VNACCS khi dự án VNACCS này đã đưa vào sử dụng 10 năm nay rồi, đến bây giờ đã lạc hậu. Bộ trưởng đặt vấn đề phải thay thế hệ thống này, đồng thời đưa ra đề nghị xây dựng hệ thống công nghệ thông tin khác hoặc Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho một dự án dữ liệu ODA mới về công nghệ thông quan để thông quan.

Trong phiên làm việc chiều, có 32 đại biểu tham gia chất vấn và 01 đại biểu tranh luận tập trung vào các vấn đề như: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch,…

Đại biểu Lưu Bá Mạc và đại biểu Chu Thị Hồng Thái của Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về các vấn đề: Những giải pháp Bộ Ngoại giao hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu, trình UNESCO công nhận cũng như quảng bá sau khi được UNESCO công nhận. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 1199/QĐ-TTg, ngày 14/10/2023 về phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lộ trình và giải pháp thúc đẩy các thỏa thuận, hợp tác, thu hút đầu tư trong thời gian tới để các địa phương biên giới có điều kiện mở mới, nâng cấp các cửa khẩu, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và lợi thế sẵn có của vùng biên giới để phát triển kinh tế – xã hội.

 

Đại biểu Lưu Bá Mạc và đại biểu Chu Thị Hồng Thái , Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết,          đối với chiến lược ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng cho biết Bộ Ngoại giao đã ban hành một chiến lược ngoại giao văn hóa và đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa từ 2021-2030. Bộ trưởng cho rằng các hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao được, quảng bá được hình ảnh của đất nước ta, các địa phương của chúng ta và con người Việt Nam của chúng ta ra thế giới và ngược lại chúng ta qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới, bạn bè quốc tế. Ở cấp độ quốc tế, Bộ đã chủ động hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ của Liên hợp quốc là UNESCO. Trong thời gian vừa qua, trong UNSECO có 7 cơ chế quan trọng nhất thì Việt Nam hiện nay được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí quan trọng nhất của UNESCO, trong đó phải nói đến Ủy ban Di sản thế giới là cái chúng ta vừa được bầu vào với số phiếu cao. Đây cũng là một cơ chế hợp tác liên thông để chúng ta phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa. Ở cấp độ quốc gia, những hoạt động ngoại giao văn hóa giúp tạo những dấu ấn rất quan trọng, thân thiện, những hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của chúng ta thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa, những hoạt động, hình ảnh như Chủ tịch, Tổng Bí thư của chúng ta ngồi uống trà với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, hay Thủ tướng Chính phủ đi ngồi giao lưu ra ngoài uống cà phê với Thủ tướng của Belarus, v.v.. đã giúp chúng ta truyền bá những hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, hữu nghị, đồng thời cũng là đưa những hình ảnh về ẩm thực của Việt Nam ra thế giới với bạn bè quốc tế. Ở cấp độ địa phương thì rất nhiều các hoạt động ngoại giao văn hóa, các sự kiện, các lễ hội cũng tạo thành những thương hiệu của các địa phương. Các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương mình. Những lễ hội như lễ hội xòe Thái, lễ hội bắn pháo hoa, lễ hội cà phê ở Ban Mê Thuột, v.v. được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Đây là những hoạt động đóng góp rất lớn trong hoạt động chung.

Trong thời gian tới Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục cùng phối hợp với các bộ, ngành để đơn giản hóa các thủ tục về xuất nhập cảnh cho công dân nước ngoài cũng như đồng bào ta ở nước ngoài về trong nước. Trong điều kiện chưa làm được hộ chiếu phổ thông Bộ Ngoại giao cũng đang triển khai đàm phán với 80 nước về miễn thị thực song phương, tạo điều kiện cho các lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương của chúng ta khi đi công tác nước ngoài thuận tiện hơn rất nhiều. Ngược lại, với chiều bạn vào thời gian vừa qua chúng ta đã tạo thuận lợi rất tốt và chủ trương tới đây cũng tiếp tục theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ đàm phán và ký kết các hiệp định miễn thị thực song phương giữa hai nước, vừa tạo được thế cho công dân ta ra nước ngoài và ngược lại công dân nước ngoài vào Việt Nam. Về quy hoạch biên giới và triển khai các thỏa thuận, hiện nay chúng ta có 25 tỉnh có giáp biên giới trên bộ với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia. Trong thời gian qua chúng ta đã rất thuận tiện, ngày 14/10/2023 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch tổng thể về việc nâng cấp các cửa khẩu của chúng ta với các đối tác láng giềng xung quanh, phù hợp với Luật Quy hoạch 2017 và quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã được Quốc hội thông qua. Những kết quả quan trọng trên  sẽ giúp cho việc triển khai ngoại giao kinh tế cũng như là hợp tác kinh tế qua biên giới giữa ta với các nước láng giềng. Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và đặc biệt là 3 nước đối tác của chúng ta để cùng đàm phán, nâng cấp các cửa khẩu làm sao đảm bảo được, kể cả cơ sở hạ tầng để lưu thông hàng hóa, con người giữa ta với 3 nước.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch Quốc hội, phát biểu kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các nhóm vấn đề thuộc 2 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp này đều là lĩnh vực rất quan trọng, thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri, nhân dân cả nước, đồng chí đánh giá cao phần chất vấn của các ĐBQH và trả lời chất vấn của các vị bộ trưởng thuộc các lĩnh vực được chất vấn. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng với các giải pháp mà các Bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các lĩnh vực được chất vấn hôm nay sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến mới, tốt đẹp hơn trong thời gian tới.

Nguyễn Đình Tuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *