Thời gian qua, hoạt động thảo luận tổ và chất vấn tại các kỳ họp HĐND đã được Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên quan tâm, thực hiện có hiệu quả và từng bước đổi mới. Các nội dung thảo luận tổ và chất vấn đều chọn vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, được cử tri và Nhân dân quan tâm. Thông qua các nội dung thảo luận và chất vấn đã góp phần quan trọng để HĐND tỉnh quyết nghị những vấn đề nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, từ đó tạo được niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền địa phương.
Để nâng cao chất lượng thảo luận tổ của các đại biểu, trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị các báo cáo trình tại kỳ họp HĐND tỉnh cũng như các tài liệu liên quan bảo đảm chất lượng; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin cần thiết để đại biểu nghiên cứu, có căn cứ thảo luận. Đồng thời chỉ đạo các ban của HĐND tỉnh giám sát và trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị của các sở, ban, ngành đối với các nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh. Tại mỗi kỳ họp Thường trực HĐND tỉnh đều triển khai chia tổ để các đại biểu thảo luận với sự chủ trì là các đồng chí Trưởng ban các ban của HĐND tỉnh. Thông qua việc chia tổ thảo luận, kỳ họp tiếp nhận được nhiều ý kiến của đại biểu, từ đó bổ sung cụ thể hơn vào các nghị quyết để thông qua kỳ họp. Trong các buổi thảo luận tổ, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các đại biểu HĐND tỉnh tích cực phát biểu, tham gia ý kiến đóng góp vào việc xây dựng các nghị quyết của HĐND tỉnh. Như tại Kỳ họp thứ hai mươi mốt (kỳ họp thường lệ cuối năm 2023) HĐND tỉnh được tổ chức từ ngày 07-08/12/2023, trong phiên thảo luận tổ đã có 51 lượt ý kiến của đại biểu đã thảo luận tại 4 tổ. Các ý kiến thảo luận tại tổ đã tập trung phân tích, làm rõ và kiến nghị một số nội dung trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Các ý kiến cũng đã đề nghị UBND tỉnh có giải pháp tập trung kiểm chế tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí so với năm 2022; chỉ tiêu thu ngân sách năm 2024; duy trì, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh;…
Ngoài các ý kiến đánh giá cao kết quả đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội, các đại biểu cũng nêu lên những mặt hạn chế như việc tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất hàng hóa và xây dựng thương hiệu nông sản còn chậm; công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn các huyện, thành phố còn nhiều bất cấp chưa được qua tâm xử lý dứt điểm; việc duy trì, nâng cao thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các khu di tích, nhà văn hóa thôn thực hiện chậm; đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học chưa đáp ứng kịp thời chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới; tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế công lập về đấu thầu thuốc, vật tư, hóa chất y tế triển khai chậm; việc quảng bá du lịch trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, công tác đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch chưa được quan tâm đúng mức… Các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ việc thu thuế xuất nhập khẩu, tránh việc lợi dụng “luồng xanh”, “luồng vàng” để trốn thuế; chỉ đạo, định hướng phát triển một số sản phẩm OCOP gắn với đặc thù của địa phương, phấn đấu có các sản phẩm OCOP 5 sao đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để triển khai hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết số 95-NQ/TU, ngày 20/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; xem xét, nghiên cứu có chính sách hỗ trợ để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ công nghệ cộng đồng; nghiên cứu xây dựng quy định quản lý việc san lấp, vận chuyển cân bằng đào, đắp đất giữa các dự án để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, giảm chi phí đầu tư; trong công tác giải phóng mặt bằng, có các giải pháp linh hoạt trong giải quyết xử lý các nội dung vướng mắc, khó khăn của từng dự án….
Trong hoạt động chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh xác định đúng mục đích, yêu cầu chất vấn, nhất là việc lựa chọn nội dung chất vấn phải được chọn lọc từ những vấn đề cử tri quan tâm, dư luận xã hội đang bức xúc và phát trực tiếp nội dung các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Điểm nổi bật trong hoạt động chất vấn là việc đổi mới điều hành của chủ tọa kỳ họp theo hướng hỏi thẳng vào vấn đề được nêu, trong đó tập trung vào việc làm được, chưa làm được, lý do vì sao, vướng mắc thế nào…? Bên cạnh đó, tất cả những vấn đề được đưa ra chất vấn, tranh luận tại kỳ họp đã được chủ tọa kết luận rõ ràng, nêu rõ những vấn đề đã đạt, chưa đạt yêu cầu và lộ trình thực hiện lời hứa, kết luận chất vấn; đặc biệt một số đại biểu HĐND tỉnh đã sử dụng hình ảnh để minh chứng cho câu hỏi chất vấn. Sự đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thời gian qua đã thực sự phát huy hiệu quả, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và quan tâm theo dõi. Cũng chính từ sự quyết liệt của hoạt động chất vấn mà nhiều mặt tồn tại kéo dài thời gian qua đã được khắc phục, giải quyết dứt điểm.
Ngay sau các kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành các văn bản thông báo nội dung và kết quả thảo luận, chất vấn; tổng hợp những vấn đề cần tiếp tục làm rõ, những vấn đề cần quan tâm thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện các nội dung cử tri phản ánh hoặc đại biểu HĐND tỉnh đã nêu tại kỳ họp; là cơ sở để Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu HĐND tỉnh đôn đốc, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị. Cũng từ kết quả thảo luận, chất vấn, HĐND tỉnh đã kiến nghị với các cấp, các ngành tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Với việc tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thảo luận và chất vấn đã nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp của HĐND tỉnh. Qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đồng thời thể hiện được vị thế cơ quan quyền lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong tỉnh.
KIM CHI
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025