Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 28/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 24 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 01 ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; vị trí, vai trò của Thủ đô; áp dụng Luật Thủ đô; trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; mô hình tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô (quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; quản lý, sử dụng không gian ngầm; cải tạo, chỉnh trang đô thị; phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; phát triển giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển các khu công nghệ cao; thử nghiệm có kiểm soát; bảo vệ môi trường; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội); các nội dung phân quyền cho thành phố Hà Nội liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế; tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô; liên kết, phát triển vùng; điều khoản thi hành,…
Tham gia phát biểu thảo luận tại Hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao đối với Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và hồ sơ dự án Luật trình tại kỳ họp thứ 7 được chuẩn bị công phu với nhiều nội dung cụ thể, chi tiết. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét một số nội dung cụ thể:
Một là, về áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4). Dự thảo bổ sung khoản 2 Điều 4 cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực, quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề. Tuy nhiên, dự thảo không đưa ra tiêu chí để xác định thế nào là cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị làm rõ tính hợp hiến của việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng luật, nghị quyết của Quốc hội, vì việc này không phải là giải thích luật hay giải thích nghị quyết và cũng không có trong Điều 74 của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khoản 3 Điều 4 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề”. Nếu quy định như vậy, trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội hoặc pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quy định khác với quy định của văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô, ví dụ như nghị định, thông tư thì vẫn phải áp dụng các nghị định, thông tư này. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát lại các quy định tại Điều 4.
Hai là, về liên kết phát triển vùng. Dự thảo luật tại khoản 3 Điều 3 giải thích “Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế – xã hội, gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lân cận do Chính phủ quy định”. Đồng thời, dự thảo dành Chương V, từ Điều 44 đến Điều 47 quy định mối quan hệ của Thủ đô Hà Nội trong 4 vùng (Vùng đồng bằng Sông Hồng theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia gồm Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố; Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 của Thủ tướng gồm Hà Nội và 6 tỉnh, thành phố; Vùng động lực phía Bắc theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội bao gồm Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua 5 tỉnh, thành phố. Như vậy, mỗi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội, thế mạnh cũng như đặc thù khác nhau, theo đó nội dung và cơ chế liên kết của Thủ đô trong mỗi vùng cũng phải khác nhau. Tuy nhiên, các quy định của dự thảo lại chưa thể hiện sự khác nhau này. Vì vậy, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ hơn, từ đó bổ sung quy định cụ thể hơn nhằm quy định cơ chế và nội dung phù hợp và hiệu quả nhất để thúc đẩy liên kết của Hà Nội trong các vùng. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung cụm từ “liên kết phát triển vùng” vào Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và quy định luôn danh sách các tỉnh thuộc vùng Thủ đô trong dự thảo luật.
Ba là, về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, Điều 25. Đại biểu đánh giá cao quy định tại Điều 25 dự thảo luật về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Đây là quy định đầu tiên ở cấp độ luật, điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ. Theo khoản 3 Điều 25 của dự thảo “cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực với 4 điều kiện”. Đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt, luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát, đồng thời xem xét chưa cho thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia hay lĩnh vực biến đổi, chỉnh sửa gen người. Trường hợp vẫn cho phép các lĩnh vực này được thử nghiệm thì cần bổ sung quy định lấy ý kiến của bộ quản lý trước khi cấp phép. Bên cạnh đó, dự thảo luật hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về việc đình chỉ, tạm đình chỉ cũng như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm thế nào, hậu quả pháp lý ra sao khi kết thúc cơ chế thực nghiệm. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung các nội dung này trong dự thảo.
Ngoài các nội dung trên, đại biểu nhấn mạnh rằng Luật Thủ đô là dự luật có tác động lớn, có nhiều nội dung quan trọng. Ngày 23/5/2024 Chính phủ đã có Báo cáo số 269/BC-CP về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất với việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tuy nhiên, tại báo cáo này Chính phủ đề xuất chỉnh lý nhiều vấn đề cụ thể, qua rà soát sơ bộ thì Chính phủ đề xuất chỉnh lý 32 khoản của 22 điều trên tổng số 54 Điều, chiếm 42% tổng số điều của dự thảo luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị báo cáo rõ hơn về những nội dung còn có ý kiến khác nhau nêu trong báo cáo của Chính phủ để đại biểu Quốc hội có thêm thông tin thảo luận, góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo thống nhất cao.
Kết thúc thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã báo cáo, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nguyễn Đình Tuân
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025