VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tham gia ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ Năm, 30 Tháng Năm, 2024 207 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 27/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); sau đó, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận đã có 55 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 2 ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội; giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý; cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; chế độ ốm đau; chế độ thai sản; trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm hưu trí bổ sung; điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần; mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu, trợ cấp một lần và điều chỉnh tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc quy định về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”; khiếu nại và giải quyết khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội; tố cáo, giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội; tác động của cải cách tiền lương đối với chính sách bảo hiểm xã hội; thời điểm thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi),…

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)

Tham gia phát biểu thảo luận tại Hội trường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 7 đã được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung đầy đủ, chặt chẽ các điều khoản trong Luật và cẩn trọng khi đưa ra những vấn đề mới phát sinh. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét một số nội dung cụ thể:

Thứ nhất, về phương án rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 74. Đại biểu nhất trí lựa chọn phương án 1 với các lý do như dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH đã nêu. Mặc dù chưa phải là phương án tối ưu nhưng đại biểu cho rằng phương án này tạo điều kiện cho người lao động đang đóng BHXH được thoải mái tâm lý khi còn băn khoăn có được rút BHXH vào thời điểm đang khó khăn này không, phương án này cũng sẽ tạo tâm thế sẵn sàng cho người lao động mới tham gia BHXH xác định sẽ không được rút BHXH mà chỉ phục vụ cho việc đảm bảo an sinh xã hội sau này.

Thứ hai, tại khoản 12 Điều 4. Giải thích từ ngữ có quy định “Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, Quỹ BHXH”, đây là nội dung sẽ được sử dụng trong suốt quá trình thực hiện các chế độ đóng và hưởng BHXH khi thực hiện cải cách tiền lương, không còn mức lương cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc thực hiện điều chỉnh với các tiêu chí như trên vẫn còn chung chung, nhất là việc trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, đây là chỉ số không ổn định và thay đổi thất thường trong thời gian ngắn, đại biểu băn khoăn như vậy có ảnh hưởng đến mức đóng, hưởng của người lao động tại thời điểm trước sau khi tăng hoặc giảm chỉ số giá tiêu dùng hay không. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hoặc có giải trình trước khi các ĐBQH thông qua.

Thứ ba, tại khoản 2 Điều 13. Quyền và trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên có nêu “chia sẻ thông tin dữ liệu về người lao động, thành viên, hội viên của mình với cơ quan bảo hiểm xã hội”, đối với nội dung này, đại biểu cho rằng dữ liệu cá nhân là vấn đề nhạy cảm, nhất là trong thời điểm lừa đảo qua mạng nhiều như hiện nay, bất cứ vấn đề gì liên quan đến dữ liệu cá nhân đều có thể bị các đối tượng xấu sử dụng để lừa đảo. Vì vậy việc chia sẻ thông tin và chia sẻ những thông tin gì? khi mà các thành viên, hội viên của các tổ chức này khi tham gia vào tổ chức với mục đích là được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Do vậy đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu bổ sung cụm từ “khi những thông tin đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động, thành viên, hội viên của mình”.

Thứ tư, tại khoản 2 Điều 43. Điều kiện được hưởng chế độ ốm đau, quy định “Phải nghỉ việc chăm con dưới 7 tuổi bị ốm đau”. Theo quy định của Luật Trẻ em, tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi đều được chăm sóc về sức khoẻ và giáo dục.

Tuy nhiên trẻ em từ 12 đến 16 tuổi có thể tự làm được một số công việc cá nhân. Nhưng thực tế cho thấy hiện nay trẻ em dưới 12 tuổi khi bị ốm đau, không thể đến bệnh viện hoặc tự chăm sóc bản thân mà không có người thân bên cạnh, nhất là đối với những người lao động xa nhà, không có người hỗ trợ chăm sóc con cái. Do đó, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét tăng độ tuổi trẻ em bị ốm đau lên dưới 12 tuổi để người lao động có thời gian chăm sóc con.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, phát biểu thảo luận tại Hội trường

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã báo cáo, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

 

Nguyễn Đình Tuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *