Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ và thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, buổi sáng ngày 06/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã chất vấn Phó Thủ tướng với nội dung sau: Để tiếp tục góp phần nâng tầm giá trị cũng như quảng bá di sản văn hóa và tài nguyên du lịch của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, năm 2014, Đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1590/QĐ-TTg. Hiện nay, Việt Nam đã có 3 công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đồng thời, đã có một số địa phương, trong đó bao gồm tỉnh Lạng Sơn, cũng đã và đang trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, chưa có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc triển khai Đề án nêu trên. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết các giải pháp trong thời gian tới để đẩy mạnh quá trình xây dựng, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam, để từ đó, góp phần kích cầu, phục hồi và phát triển du lịch bền vững?
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay cả nước chỉ có 3 công viên di sản địa chất, quy mô và phạm vi lớn, nhưng Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong bảo tồn, quản lý và khai thác. Bước đầu đã xây dựng quy hoạch và đề xuất một số chương trình, dự án để triển khai thực hiện. Bất cập hiện nay đó là chưa phân định khu nào bảo vệ tuyệt đối, khu nào là khu vực vùng đệm và khu vực nào là vùng đệm. Như vậy, cần giải quyết tốt bài toán bảo vệ, sử dụng và khai thác tốt, đặc biệt phát huy giá trị của các công viên này, xem xét xây dựng các hình thức phát triển du lịch khám phá và nghiên cứu, cần coi đây là sản phẩm du lịch đặc biệt. Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần triển khai ngay các dự án phát triển hạ tầng để tiếp cận dễ dàng với các công trình này; tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm trong việc khai thác công viên địa chất ở các nước trên thế giới.
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Công thương; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Kiểm toán nhà nước.
Tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 193 lượt ĐBQH phát biểu (trong đó 162 lượt đại biểu chất vấn 31 lượt đại biểu tranh luận); còn 160 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và ĐBQH quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Các ĐBQH qua thực tiễn hoạt động của mình đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu câu hỏi, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề, hầu hết các đại biểu khi hỏi chỉ nêu một vấn đề nên có nhiều đại biểu được chất vấn và cũng thuận lợi trong việc theo dõi, ghi chép và trả lời của Chủ tọa, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Các ĐBQH đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp, với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, buổi sáng ngày 07/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Lưu Bá Mạc bày tỏ tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi và ban hành Nghị quyết; đại biểu có một số góp ý nhằm hoàn thiện các nội dung trong Nghị quyết như: Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mở rộng phạm vi áp dụng thử nghiệm có kiểm soát đối với các giải pháp công nghệ mới, theo hướng, mở rộng phạm vi ra toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng, thay vì là chỉ quy định phạm vi trong Khu Công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nên quy định theo hướng giao cho UBND thành phố xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Hiện nay tại Dự thảo Nghị quyết chưa có giới hạn về lĩnh vực thử nghiệm nên cần cân nhắc việc bổ sung quy định về nội dung trên.
Đồng thời, quy định làm rõ trường hợp: (1) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thử nghiệm phải “chịu trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hành chính trong trường hợp gây thiệt hại; cân nhắc bổ sung quy định đối với trường hợp (2) “được miễn trách nhiệm hình sự” và bổ sung trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự đối với cơ quan hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm.
QUỲNH LAN
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025