Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 4/6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7 đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên – môi trường.

Tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đã có 49 ý kiến chất vấn và tranh luận được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra tại phiên họp. Các ĐBQH chất vấn tập trung vào một số nội dung: Công tác dự trữ khoáng sản; luật hoá cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản; giải pháp về nguyên vật liệu cho các dự án đặc biệt quan trọng; công tác sử dụng, quản lý đất hiếm thời gian qua; tăng cường công tác thanh tra để xử lý tình trạng khai thác tài nguyên trái phép; khắc phục tình trạng xuống cấp các công trình khai thác sử dụng nước; giải pháp để công tác phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về biển và hải đảo thiết thực, hiệu quả; việc thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước, giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước; giải pháp ổn định môi trường sống vùng đồng bằng sông Cửu Long; khắc phục nguy cơ xói lở bờ biển; khắc phục những hạn chế liên quan đến chất thải lây nhiễm, nước thải y tế; sớm ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải và chất thải; ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường; khắc phục tình trạng ngập úng tại các đô thị; giải pháp hồi sinh các dòng sông chết; quản lý các nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; giải pháp nào cho nguy cơ hạn hán thời gian tới; định hướng hoàn thiện chế định đấu giá quyền khai thác khoáng sản; khắc phục tình trạng xâm nhập mặn; khắc phục những hạn chế trong xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
Tại phiên chất vấn đại biểu Lưu Bá Mạc, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ĐBQH tỉnh đã chất vấn vấn đề liên quan thực trạng, giải pháp tình trạng công trình thủy điện chưa đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, đại biểu phản ánh hiện nay có nơi, vẫn có tình trạng có công trình thủy điện chưa thực sự quan tâm, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, theo đúng quy định, thậm chí có nơi cố tình không thực hiện, dẫn tới vấn đề là nước ở hạ lưu một số công trình thủy điện cạn khô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đa dạng sinh học, cũng như sự phát triển du lịch. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng và giải pháp của Bộ trưởng trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát và giải quyết vấn đề nêu trên?

Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bá Mạc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, các thủy điện đều phải chấp hành quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu để duy trì sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các thủy điện ở vùng cao. Bộ đã có nhiều cố gắng thực hiện việc yêu cầu các nhà máy thủy điện lắp hệ thống quan trắc, giám sát, kết nối về Bộ để theo dõi, giám sát, quản lý. Hiện đã có hơn 850 hồ thủy điện kết nối về Bộ, khi có hiện tượng không duy trì dòng chảy tối thiểu thì sẽ tổ chức trực tiếp kiểm tra, xử lý theo quy định. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện kết nối hồ thủy điện với cấp sở, cấp bộ để cùng giám sát, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Theo chương trình, ngày mai (5/6), Quốc hội tiếp tục chất vấn về nhóm lĩnh vực công thương và nhóm lĩnh vực kiểm toán.
Quỳnh Lan
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Đại hội Chi bộ 1, thuộc Đảng bộ HĐND tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2027
Thông báo Tiếp nhận công dân đăng ký gặp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ tiếp công dân tháng 6 năm 2025
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận tại tổ vào một số dự án luật tại kỳ họp thứ 9
Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận một số dự thảo luật
Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường góp ý dự án Luật Công nghiệp công nghệ số
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp chất vấn và phiên họp thường kỳ tháng 5/2025
Thường trực HĐND tỉnh họp liên tịch để thống nhất nội dung kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 của HĐND tỉnh
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các dự án Luật: Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)