VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 137 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ chín, chiều ngày 27/5/2015, các đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) gồm 486 điều, tăng 140 điều so với bộ luật hiện hành, trong đó sửa đổi 294 điều, bổ sung mới 172 điều, bãi bỏ 26 điều, giữ nguyên 20 điều.

    Dự án Bộ luật với nhiều điểm mới nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các luật mới được Quốc hội ban hành.

    Về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (các điều 40, 41,42,43) là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Các vị đại biểu Trần Thị Hoa Sinh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tán thành với quy định “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến” nhằm tạo điều kiện cho người bị buộc tội tự bào chữa, bảo vệ chính mình; tăng cường tính minh bạch, dễ hiểu, tạo nhận thức thống nhất trong hoạt động lấy lời khai, góp phần chống bức cung, nhục hình, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng cần thay thế từ “quyền tự do trình bày” bằng “quyền chủ động trình bày” sẽ mang tính khách quan hơn. Các đại biểu tán thành nội dung quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án án (điều 42 và điều 43), tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần xem xét lại quy định này, nhất là đối với các vụ án có đông bị can, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn sẽ tạo ra nhiều khó khăn, phức tạp trong thực tiễn thi hành. Về bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 174), hầu hết các đại biểu tán thành với dự thảo, nếu thực hiện được biện pháp này thì sẽ góp phần quan trọng trong giải quyết vấn đề oan sai hiện nay. Về tranh tụng trong xét xử đại biểu Trần Thị Hoa Sinh không đồng tình với dự thảo, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành; nội dung tranh luận tại tòa cần quy định cụ thể hơn. Về việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (các điều 17, 21, 154) đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần quy định có sự phối hợp giữa các cơ quan này với các cơ quan điều tra để xử lý kịp thời, thông suốt…

    Theo Chương trình, sáng ngày 28/5, Quốc hội sẽ làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật trưng cầu ý dân và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo./.

Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *