VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Lạng Sơn xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 137 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Xây dựng nông thôn mới là giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Ðảng, nhà nước, đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 29/9/2008 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá X), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 9/6/2009 thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và một số cơ chế chính sách phù hợp với địa phương: thiết kế mẫu về đường giao thông nông thôn, trạm y tế xã, nhà lớp học mầm non; các cơ chế, chính sách về hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi; ưu đãi lãi suất để khuyến khích phát triển nông lâm nghiệp; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa và thiết chế văn hóa xã, thôn; thực hiện cơ chế, chính sách, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện đầu tư cho các công trình nông thôn mới…, đồng thời ban hành Chương trình hành động số 30/CTr-UBND ngày 10/11/2014 thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị giá tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM)…Thành lập bộ máy chỉ đạo và quản lý Chương trình đồng bộ ở các cấp từ tỉnh tới cơ sở, thường xuyên được kiện toàn, củng cố, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Các cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều ban hành nghị quyết về xây dựng NTM phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị. Hệ thống chỉ đạo đồng bộ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy triển khai thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.

Tỉnh đã triển khai công tác tuyên truyền vận động xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thông qua các hình thức hiệu quả, thiết thực, góp phần quan trọng giúp cán bộ và nhân dân có nhận thức đúng về Chương trình, thay đổi nếp nghĩ, khắc phục một bước tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân, tạo động lực biến chương trình thành một phong trào ngày càng lan rộng. Công tác huy động nguồn lực cho xây dựng NTM được chú trọng, trong 5 năm (2011-2015) đã huy động được 9.241.426 triệu đồng; vốn tín dụng 5.351.257 triệu đồng, chiếm 57.91%; vốn huy động của các tổ chức, doanh nghiệp 1.087.780 triệu đồng, chiếm 11,77%; đóng góp của cộng đồng dân cư: 400.841 triệu đồng, chiếm 4,34%. Công tác quy hoạch và lập đề án nông thôn mới được xác định là nội dung phải được triển khai trước một bước để định hướng cho xây dựng NTM. Đến nay đã có 207/207 xã hoàn thành quy hoạch chung; 40 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết trung tâm, 02 xã hoàn thành cắm mốc quy hoạch khu trung tâm.

Thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, tỉnh đã ưu tiên tập trung nguồn lực cho xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội. Đây là yếu tố quan trọng nhất để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế- xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Sau 5 năm thực hiện, Chương trình đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở địa bàn nông thôn của tỉnh, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trong đó phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, nhằm đáp ứng yêu cầu bức xúc của người dân nên được người dân đồng tình và tự nguyện thực hiện. Tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, bình quân 31.863 tấn ximăng/năm; huy động 2,1 triệu ngày công lao động, nhân dân khai thác đá sỏi tại chỗ được trên 299.346m3, hiến trên 1.474.000mđất làm đường giao thông nông thôn…Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân cũng hết sức được chú trọng. Trong sản xuất nông, lâm nghiệp xuất hiện nhiều mô hình liên doanh, liên kết sản xuất (mô hình sản xuất dưa bao tử, liên kết trồng rừng giữa doanh nghiệp với các hộ dân); xây dựng 119 mô hình phát triển sản xuất tại 50 xã bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng NTM…Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được thực hiện đảm bảo theo quy định, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,06% năm 2011 xuống còn 14,09% năm 2014, dự ước cuối năm 2015 còn 11,9%; 5 huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 10%. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM: 13/207 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 6,28%; 01/207 xã đạt 15-18 tiêu chí, chiếm 0,48%; 34/207 xã đạt 10-14 tiêu chí, chiếm 16,43%; 109/207 xã đạt từ 5- 9 tiêu chí, chiếm 52,66%; còn 50/207 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm 24,15% (không còn xã dưới 2 tiêu chí).

Việc thực hiện xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững được tỉnh xác định là hai vấn đề phải gắn kết chặt chẽ trong phát triển kinh tế – xã hội, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn, tạo bước chuyển biến tích cực về cơ cấu. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành rõ nét một số mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả: thuốc lá tại các huyện Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng; rau các loại tại các huyện Cao Lộc, Lộc Bình và thành phố; thạch đen tại các huyện Tràng Định, Bình Gia; các loại cây ăn quả đặc sản (cây na Chi Lăng, Hữu Lũng; cây quýt Bắc Sơn, Bình Gia); các loại cây đặc hữu, cây công nghiệp lâu năm (cây hồi; cây chè). Bước đầu hình thành một số mô hình chăn nuôi tập trung (mô hình chăn nuôi gà kết hợp trồng rừng, chăn nuôi lợn nái, một số mô hình chăn nuôi các loại vật nuôi đặc sản). Nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi trồng tăng bình quân 2,55%/năm, sản lượng tăng bình quân 10,23%/năm. Tổng diện tích trồng rừng mới đạt 51.470 ha, bình quân hàng năm trồng mới 10.294 ha/năm; độ che phủ rừng năm 2014 đạt 53,4 %, dự ước năm 2015 đạt đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (54,5%)…

Như vậy, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cùng với cả nước, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực, chung vai, góp sức thực hiện Chương trình với sự quyết tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy kết quả đạt được còn thấp so với bình quân chung đặt ra của Chính phủ (tỉnh mới có 6,28% số xã đạt chuẩn NTM), nhưng Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo được chuyển biến tích cực: bộ mặt nông thôn được đổi mới, cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện đáng kể; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá…được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ đời sống của dân cư nông thôn; nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân trong xây dựng nông thôn mới được nâng cao. Năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng vật nuôi được nâng lên; sản xuất tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều tiến bộ; đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố. Chương trình xây dựng NTM được triển khai thực hiện đã góp phần củng cố thêm niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.

Trong giai đoạn tiếp theo, tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục những khó khăn của một tỉnh miền núi, biên giới, xuất phát điểm kinh tế- xã hội thấp; nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM còn hạn hẹp; các hình thức sản xuất chậm đổi mới; nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng chưa cao; năng lực cạnh tranh còn thấp, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất tập trung; liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, sự thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn; sự hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp còn thấp do các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ; huy động sức dân đóng góp xây dựng NTM còn hạn chế, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn; các chính sách hỗ trợ, cơ chế đặc thù, chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn miền núi, biên giới còn nhiều bất cập…, được sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *