VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Về Đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 152 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Thực hiện chương trình công tác năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành khoa học và Công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020”. Dự thảo Đề án này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Xin có một số ý kiến xung quanh dự thảo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ như sau:

    Về những vấn đề chung: Khoa học và công nghệ là vấn đề quan trọng quốc sách hàng đầu quyết định đến sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước nên việc định hướng chiến lược và tái cơ cấu ngành khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tiễn là rất cần thiết, tuy nhiên cần có chiến lược và tái cơ cấu mạnh mẽ hơn kể cả giai đoạn sau 2020 vì khoảng thời gian 5 năm rất khó để tái cơ cấu thành công và mang lại hiệu quả như mục tiêu tổng quát của Đề án đã nêu. Mục tiêu tổng quát của Đề án ngắn gọn, cô đọng nhưng cần có thời gian và đầu tư lớn, lâu dài mới có thể triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

    Dự thảo quyết định phê duyệt còn dài, đề nghị chỉ nêu các mục tiêu tổng quát và các nội dung cần tái cơ cấu, các giải pháp, nguồn lực và tổ chức thực hiện. các nội dung cụ thể, chi tiết thể hiện tại Đề án để tránh nhắc lại trùng lặp không cần thiết.

    Phần định hướng trong quyết định đề nghị nhấn mạnh đổi mới cơ chế tài chính phục vụ cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, không nên quy định việc chi và thanh quyết toán cho các hoạt động đặc thù của nghiên cứu, đầu tư khoa học công nghệ như chi thường xuyên. Tăng quyền chủ động cho các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước nhất là đối với các ngành nghiên cứu khoa học mũi nhọn.

    Trong quyết định phê duyệt cũng nên đánh giá ngắn gọn về thực trạng tình hình hiện nay dẫn đến sự cần thiết phải tái cơ cấu và phương hướng, nhiệm vụ tái cơ cấu. Cơ cấu lại ngành và bộ máy tổ chức làm công tác khoa học công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ trên cả nước cho phù hợp.

    Phần Đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ còn dài nhưng chưa nổi bật nhiệm vụ tái cơ cấu như thế nào, vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; thời gian cụ thể để hoàn thành việc tái cơ cấu và những sản phẩm nổi bật của quá trình tái cơ cấu.

    Về những vấn đề cụ thể: Phần đánh giá tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia của Đề án (trang 5) đề nghị xem xét lại khái niệm nhân lực khoa học và công nghệ đối với tất cả những người có bằng cấp, trình độ từ cao đẳng trở lên không vì có nhiều người trong số đó không tham gia vào hoạt động khoa học công nghệ hay thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển chưa kể có những người có bằng cấp nhưng không có trình độ năng lực và tâm huyết với ngành khoa học công nghệ.

    Về nội dung tái cơ cấu theo lĩnh vực cần quy định có cơ chế cạnh tranh giữa các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ về sản phẩm khoa học, loại bỏ dần các cơ sở nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước không có hiệu quả, hoạt động không có sản phẩm cụ thể được ứng dụng trong thực tế trong thời gian dài.

    Khuyến khích phát triển các viện nghiên cứu, các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ do tư nhân đầu tư. Có cơ chế sử dụng nhân lực và sản phẩm khoa học công nghệ không quá phụ thuộc vào tiêu chuẩn hóa chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ vì sẽ dấn đến các cá nhân chỉ chăm lo cho việc hoàn thiện chức danh cho riêng mình và các tiêu cực dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không thực tế. Nên lấy yếu tố hiệu quả và chất lượng sản phẩm khoa học công nghệ làm đầu.

    Tạo điều kiện để có cơ chế phản biện, thẩm định, nghiệm thu các sản phẩm khoa học công nghệ, các công trình khoa học một cách chuyên nghiệp, có chất lượng. Có các tổ chức đánh giá, nghiệm thu độc lập, khách quan.

    Về đầu tư, cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ: cần công khai các khoản chi nghiên cứu khoa học trong phạm vi cả nước, tránh đầu tư dàn trải nhất là khoa học ứng dụng của các địa phương, tránh trùng lặp, sao chép. Gắn nghiên cứu khoa học công nghệ với sản xuất ứng dụng.

    Về đổi mới cơ chế tài chính đề nghị triển khai theo hướng thanh quyét toán theo kết quả cuối cùng và tăng cường hoạt động mua bán các kết quả nghiên cứ khoa học theo cơ chế đặc thù vì đầu tư cho các thí nghiệm, hoạt động khoa học có thể chưa mang lại ngay kết quả, sản phẩm như đề ra ban đầu. Về ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ nên tính toán phân bổ theo thực tế hoạt động khoa học công nghệ có lưu ý đến tính đặc thù, không nên cào bằng giữa các địa phương.

    Về triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ trên các lĩnh vực cụ thể cần nhấn mạnh việc nghiên cứu nền tảng văn hóa dân tộc cùng với lịch sử là nhiệm vụ được ưu tiên để giữ vững văn hóa, bảo vệ văn hóa, bảo về chủ quyền trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tư tưởng. Bổ sung khoa học công nghệ hành chính, tăng cường cải cách công vụ, cải cách hành chính

    Về các hướng công nghệ ưu tiên chỉ nên nêu các mục tiêu quan trong nhất vì trên thực tế có rất nhiều công nghệ lien tục thay đổi, phát sinh, ra đời do đó chỉ cấn cơ chế chung nhất. Nhấn mạnh tập trung mũi  nhọn vào các thế mạnh của từng vùng và của cả nước như nông nghiệp, biển, hải đảo.

    Về phát triển nguồn nhân lực phải xác định nhân lực cho phát triển khoa học công nghệ là đặc biệt không giống nhân lực lao động phổ thông do đó phát triển nguồn nhân lực nhất là các chuyên gia đầu ngành phải lấy yếu tố chất lượng làm trọng không nhất thiết dàn trải ưu tiên theo vùng miền, dân tộc thiểu số. Đặc biệt là có cơ chế, chính sách đối với người thực sự có tài riêng, không đánh đồng với người có bằng cấp cao nhưng không có thực tài và tâm huyết đối với khoa học công nghệ.

    Phần thứ ba của đề án về tổ chức thực hiện còn quá ngắn và chung chung chưa rõ cơ quan, tổ chức cá nhân nào phải thực hiện kèm theo các điều kiện và chế tài, nguồn lực cho việc tái cơ cấu.

    Bổ sung nhiệm vụ và ưu tiên phát triển công nghệ thú y để bảo vệvà tạo nguồn gen, giống tốt cho các loại vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước ta.

    Tổ chức thường xuyên các hội chợ công nghệ tại các vùng trong cả nước để các địa phương có thể mua bán, trao đổi các sản phẩm khoa học công nghệ, giảm chi phí đầu tư trùng lặp, lãng phí.

    Về định hướng nội dung chủ yếu của Đề án nên ghép chung với phần mục tiêu và phần nội dung cần thiết chỉ rõ phải tái cơ cấu như thế nào, có lộ trình thời gian cụ thể cả mốc thời gian sau 2020 vì đầu tư phát triển, tái cơ cấu cần phải có thời gian mới thực hiện được có hiệu quả.

    Phần giải pháp chủ yếu tại trang 40 của Đề án còn chung chung như nghị quyết hơn là một đề án cụ thể. Nêu mục tiêu phải bám sát vào tinh thần hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; phải có giải pháp rà soát hệ thống pháp luật, chỉ rõ luật nào, vấn đề gì bao giờ hoàn thành, cơ quan nào thực hiện, quyền lợi trách nhiệm và cả chế tài nếu không sẽ không xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân  nào sẽ thực hiện đề án.

Nguyễn Đặng Ân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *