VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Trước bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Cần chủ động nắm biến động nhân khẩu

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 86 lượt xem Chia sẻ bài viết:
LSO-So với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao, điều đó thể hiện sự dân chủ, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên sự biến động về nhân khẩu đặc biệt là các tỉnh biên giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bầu cử.

 

Chính quyền phường Đông Kinh TPLS rà soát danh sách cử tri trước khi thống nhất niêm yết
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII, và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, diễn ra vào 22/5/2011. Ở những tỉnh khác, chắc sự biến động về nhân khẩu sẽ không nhiều, nhưng đối với Lạng Sơn, đặc biệt là các xã, huyện biên giới sự biến động về nhân khẩu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình lập danh sách cử tri, bỏ phiếu. Nếu không có biện pháp tuyên truyền, cam kết, quản lý tốt sẽ làm ảnh hưởng đến công tác bầu cử. Việc đầu tiên phải kể đến là sự biến động về nhân khẩu, biến động ở đây chủ yếu rơi vào các công dân có quyền bầu cử, họ đang trong lứa tuổi lao động nên vắng mặt tại địa phương chủ yếu là đi lao động xa nhà. Thiếu thông tin về cuộc bầu cử dẫn đến không có điều kiện để tham gia bầu cử. Hiện nay theo con số thống kê của các cơ quan chức năng, Lạng Sơn hiện có khoảng 3.000 người trong độ tuổi lao động ra nước ngoài làm thuê, thời điểm diễn ra bầu cử lại đúng vào dịp thu hoạch nông sản ở nước bạn, nên số người lao động vắng mặt ở địa phương tăng cao. Và con số thực tế lao động bỏ địa phương đi làm thuê có lẽ sẽ nhiều hơn con số thống kê được. Khi qua biên giới, do trình độ dân trí thấp, thu nhập thấp họ chưa có điều kiện sử dụng các phương tiện liên lạc với gia đình nên rất thiếu thông tin. Qua trao đổi với một số đối tượng bị chính quyền nước bạn trả về qua cửa khẩu, có người đã đi lao động được 2 tháng, thông tin về gia đình hầu như không nắm được, thậm chí trong gia đình có việc hiếu cũng không biết để hồi hương. Trong khi đó những đối tượng này vẫn có trong danh sách cử tri. Đối với những người đi lao động trong nước họ vẫn có thể bỏ phiếu vãng lai, nhưng còn các đối tượng đi lao động ở nước ngoài khó có thể tham gia bỏ phiếu. Nhiều địa phương cũng qua tuyên truyền miệng thông tin đến công dân của mình, nhưng thông tin đến vùng sâu vùng xa khó khăn, nói gì đến việc chuyển những điều cần thông tin ra nước ngoài. Có khi thông tin qua người thân chuyển, những người đi lao động quá xa dù ý thức được việc bầu cử họ cũng không có thời gian quay về. Không ít đối tượng đi lao động trái phép ở các tỉnh sâu trong nội địa nước bạn, vì vậy quá trình cập nhật thông tin càng hạn chế. Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII, và Hội đồng nhân dân các cấp thành công ở khu vực biên giới, khu vực có nhiều đối tượng tham gia lao động ở nước bạn, lúc này rất cần sự quản lý chặt của chính quyền địa phương, quản lý tốt xuất nhập cảnh. Tại cuộc họp lần thứ 2, Uỷ ban bầu cử tỉnh, bà Hoàng Thị Bích Ly, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khẳng định, các cấp chính quyền cần sâu sát hơn, đặc biệt các trưởng thôn, trưởng bản phải nắm dân trong thôn, quy trách nhiệm cụ thể như: thôn chịu trách nhiệm trước xã, xã chịu trách nhiệm trước huyện, huyện chịu trách nhiệm trước tỉnh về sự biến động dân số, vì đây là nhiệm vụ chính trị trọng đại của cả tỉnh, cả nước. Như vậy chính quyền cơ sở phải nắm được biến động dân số, người đi lao động ở nước bạn để có biện pháp thông tin cho họ chủ động về bầu cử. Qua đó cũng có hướng dẫn cho lao động địa phương đi lao động bằng con đường xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, đúng luật, đúng quy định để tránh những rủi ro không đáng có.

Còn gần 2 tháng nữa cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII, và Hội đồng nhân dân các cấp sẽ diễn ra, để đây là ngày hội của toàn dân, thực sự dân chủ thì ngay từ bây giờ quan tâm đến biến động về nhân khẩu để có biện pháp tích cực, đóng góp vào thành công của ngày hội lớn.

Nguyễn Nhật Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *