VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Quốc hội thảo luận tại hội trường về Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 195 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII,  ngày 17 tháng 6 Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).

    Trong phiên thảo luận các đại biểu đều nhất trí tán thành những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát để tăng cường tính trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra và một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án để cơ quan này thực sự là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp bảo vệ công lý; các đại biểu cho rằng dự thảo cần quy định rõ quyền của người bị buộc tội không phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, hoặc buộc phải nhận là mình có tội để chống bức cung, nhục hình. Việc khai, không khai, khai báo thế nào được coi là quyền và không phải là nghĩa vụ của người bị bắt, bị tạm giữ; về việc quy định buộc phải ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can trong mọi trường hợp đây là việc cần làm nhằm phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình; mang tính công khai, minh bạch và có sự giám sát, nên cần quan tâm đầu tư các trang thiết bị tốt nhất để tiến hành việc này.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Sinh  phát biểu thảo luận  tại hội trường

    Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Trần Thị Hoa Sinh đề nghị tại chương II của dự thảo về “Những nguyên tắc cơ bản” cần phải rà soát, quy định sao cho ngắn gọn dễ hiểu , cần phải quy định như thế nào để người dân và trực tiếp là người có quyền lợi và nghĩa vụ hiểu rõ được vấn đề này; làm rõ việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội vì trong thực tế người được coi là phạm tội đã có lệnh tạm giữ, tạm giam có được tiếp cận hay không với luật sư của mình trong nhà tạm giữ, tạm giam là một vấn đề; tại Điểm h, Khoản 2, Điều 42 và Điểm i, Khoản 2, Điều 43 dự thảo quy định bị can, bị cáo được “Đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội bị can, bị cáo trong hồ sơ vụ án sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định của bộ luật này trong trường hợp bị cáo không mời người bào chữa” ở đây cần quy định rõ thời gian, địa điểm, phạm vi, điều kiện được đọc, đại biểu nhất trí với quan điểm chỉ khi kết thúc điều tra thì mới được đọc.

    Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh đề nghị Ban soạn thảo nên bổ sung một chương riêng trong dự thảo để quy định về trình tự thủ tục đặc biệt đối với việc giải quyết án tham nhũng và việc thu hồi tài sản án tham nhũng, hiện nay mới chỉ quan tâm đến việc phát hiện tham nhũng và đưa ra xét xử, chưa quan tâm đến việc thu hồi tài sản tham nhũng đó là tài sản của nhà nước, của nhân dân nên cần có biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn ngừa tẩu tán tài sản trong các vụ án tham nhũng.

                                               Đàm Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *