Chiều 28/3 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và địa phương, đại diện Lãnh đạo Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Triệu Quang Huy, Tỉnh uỷ viên, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, năm 2023 với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, có thể thấy rõ trong 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam trong năm vừa qua như: đây là lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm hoạt động Quốc hội Việt Nam đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong một năm với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định kịp thời 84 vấn đề lớn, quan trọng, đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định, phát triển đất nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo. Hoạt động giám sát được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, nhạy bén và sát với thực tiễn. Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách quan trọng của đất nước; có được những kết quả đó là nhờ sự đóng góp tích cực của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; sự phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là vai trò tích cực, trung tâm của các đại biểu Quốc hội, dù ở bất cứ cương vị nào cũng đều tâm huyết, trách nhiệm, bản lĩnh, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của các tỉnh, thành phố. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đồng thời bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV của Đảng, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kì 2026 – 2031.Vì vậy đòi hỏi cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Quốc hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Hội nghị lần này nhằm góp phần tích cực để thực hiện các mục tiêu trên.
Báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu rõ, năm 2023 là năm khối lượng công việc của Quốc hội rất lớn, nhưng với sự đổi mới, chủ động, linh hoạt, trách nhiệm của lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH và các Đoàn ĐBQH trong điều hành hoạt động tham gia công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát đã phát huy trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các ĐBQH, xây dựng một Quốc hội “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời”. Các ĐBQH đã tích cực phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri, Nhân dân, mang tiếng nói của cử tri, Nhân dân đến với nghị trường Quốc hội, kết nối chặt chẽ với truyền thông nhằm kịp thời thông tin đến cử tri, Nhân dân về hoạt động của Đoàn ĐBQH, giúp cử tri theo dõi và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và chương trình hành động của từng ĐBQH. Các hoạt động trên đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của Quốc hội. “UBTVQH đánh giá cao kết quả hoạt động của các Đoàn ĐBQH và các ĐBQH”.
Trong năm 2023, có 16 luật được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao, 10 luật được Quốc hội cho ý kiến và 5 nhóm vấn đề lớn, quan trọng, các chính sách mới lần đầu được ban hành. Các đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức 617 hội nghị với 22.702 người tham dự, có 10.621 ý kiến góp ý tâm huyết, chất lượng. Tại các kỳ họp Quốc hội có 2.636 lượt đại biểu phát biểu tại các phiên thảo luận tổ và họp đoàn; có 1.296 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu toàn thể tại hội trường. Trong năm, các đoàn đại biểu Quốc hội đã thực hiện giám sát 80 cuộc theo kế hoạch của đoàn; giám sát 201 cuộc theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; tham gia đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 51 cuộc. Quốc hội đã chất vấn các thành viên Chính phủ về 8 nhóm vấn đề, tại các phiên chất vấn có 911 đại biểu đăng ký chất vấn, có 264 lượt đại biểu chất vấn, 228 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm. Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, theo dõi việc giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của cử tri được quan tâm. Các đơn thư gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội đều được nghiên cứu, xem xét và xử lý theo quy định.
Tại Hội nghị, đại diện một số Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố đã phát biểu tham luận, làm rõ những kết quả đạt được của Đoàn ĐBQH trong năm 2023, kiến nghị một số nội dung cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Đoàn ĐBQH, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trên các lĩnh vực.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội Đảng bộ của các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025; Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; triển khai các công việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031, đòi hỏi cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Quốc hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội cần bám sát nội dung, chương trình kỳ họp để chuẩn bị xây dựng kế hoạch từ sớm, từ xa; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy, thứ tám, Quốc hội khóa XV và các kỳ họp bất thường (nếu có). Tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị bồi dưỡng, tập huấn, tham vấn do các cơ quan của Quốc hội tổ chức, tăng cường lấy ý kiến cử tri qua các trang thông tin tin điện tử của chính quyền địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là nền tảng công nghệ số trong công tác xây dựng pháp luật. Thực hiện tốt việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế – xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước; việc sắp xếp đơn vị hành chính; công tác nhân sự, tổ chức bộ máy và một số vấn đề quan trọng khác. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giám sát, tập trung vào những vấn đề cử tri đang quan tâm, bức xúc và những nội dung cần tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách pháp luật; chú trọng theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri, tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề; tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Các vị đại biểu phát huy tinh thần tích cực, vai trò trung tâm trong hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa đoàn đại biểu Quốc hội với thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ cùng cấp.
Về các kiến nghị, đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giao Ban Công tác đại biểu tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phát động phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2026).
Nguyễn Đình Tuân
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025