VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khoá XI và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2011-2015

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 114 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội khoá XIII, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020.

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về Văn kiện Đại hội Đảng XII

    Các đại biểu Quốc hội tỉnh nhận định các báo cáo được chuẩn bị chu đáo thể hiện tầm chiến lược của đất nước trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng; thể hiện từng bước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đổi mói kinh tế đã tháo gỡ cho lực lượng sản xuất phát triển. Báo cáo nêu liên kết vùng trong kinh tế rất quan trọng, không giới hạn bởi địa giới hành chính đơn thuần giúp cho kinh tế không đóng kín mang tính vĩ mô, thuận lợi cho sản xuất và công tác điều hành. Đại biểu cũng thảo luận sâu về vấn đề quy hoạch phát triển nông thôn mới và vấn đề tái cơ cấu kinh tế nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong bối cảnh cấp thiết phải tái cơ cấu để hội nhập kinh tế quốc tế với những lợi thế cạnh tranh mà ta sẵn có. Các báo cáo cũng đưa ra các nhóm giải pháp tổng thể khép kín rất toàn diện về các lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục, văn hoá, y tế…

    Đại biểu Quốc hội tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cho rằng giáo dục thời gian qua còn nhiều hạn chế, lúng túng trong tìm ra khâu đột phá, các nội dung cải cách chương trình, sách giáo khoa đều không đạt mục tiêu và kỳ vọng, mặc dù trong báo cáo có chỉ ra nhưng chưa thấy các nhóm giải pháp khắc phục hữu hiệu và có tính khả thi, chưa nêu bật được đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Chất lượng đội ngũ công chức và dịch vụ công cũng là vấn đề đáng bàn, là việc cấp thiết phải thay đổi, muốn vậy cần phải có cơ chế loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ và tăng quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu. Cần có chính sách hợp lý để có thể tuyển dụng được nhân lực có chất lượng cao.

    Về chương trình giảm nghèo, một số chương trình phải mang tính chất vùng mới đạt hiệu quả chung thì lại chỉ chú ý đến các đối tượng nghèo, việc định hướng sản xuất cho bà con cần có một cơ quan đứng ra đảm nhiệm chứ không để người dân tự mày mò, chính thực trạng này nên chính sách trong thời gian qua chưa phù hợp, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua không hiệu quả và chưa đạt yêu cầu, cần cụ thể hoá và phù hợp với yêu cầu thực tế.

    Đại biểu cũng đề nghị kiểm soát chặt chẽ môi trường sống và vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo sức khỏe cho người dân; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố bảo vệ an ninh quốc phòng, có các cơ chế chính sách ưu tiên cho người dân vùng biên giới, hoàn thành mạng lưới đường giao thông ra biên giới, đường tuần tra biên giới và hệ thống cơ sở hạ tầng để cho người dân vùng khó khăn được thụ hưởng.

    Cần đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, có giải pháp đột phá để đảm bảo có tỷ lệ hợp lý cán bộ nữ, cán bộ trẻ có trình độ và cán bộ người dân tộc thiểu số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có giải pháp cải cách chính sách tiền lương đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhất là cán bộ ở các ngành có thu nhập thấp không có nguồn thu khác từ công việc chính đáng của mình, tăng lương cho cán bộ hưu, nhất là cán bộ nghỉ hưu trước năm 1993.

    Tăng cường công tác quản lý văn hoá và tín ngưỡng không để mê tín dị đoan lan tràn trong đời sống xã hội. Ngày 24/10 Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường.

Nguyễn Đặng Ân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *