VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở Tổ về dự án Luật dược (sửa đổi) và Luật về hội

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 152 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục kỳ họp thứ mười, Quốc hội khoá XIII, ngày 19/11/2015 Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở Tổ về dự án Luật dược (sửa đổi) và Luật về hội. Đồng chí Nguyễn Thế Tuy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận.

   Đối với dự án Luật dược (sửa đổi) các đại biểu cho rằng hiện nay nước ta phải nhập khẩu đến 90% nguyên liệu sản xuất thuốc và người Việt Nam phải chi một khoản tiền lớn cho việc mua thuốc tuy nhiên trong luật chưa có điều khoản nào về khuyến khích phát triển công nghiệp dược như ưu đãi nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất thuốc. Việc bán và sử dụng thuốc kháng sinh rất tràn lan, tuỳ tiện gây tình trạng kháng thuốc nhưng không thấy quy định để khắc phục. Thực phẩm chức năng cũng đang bị thả nổi, giá rất cao cũng chưa được quy định trong luật.

Các đại biểu cũng đề cập đến thực tế đấu thầu thuốc hiện nay rất bất cập, mất rất nhiều thời gian, nhân lực; vấn đề thời hạn chứng chỉ hành nghề nếu không rõ ràng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh phát biểu thảo luận

   Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình việc quy định y học cổ truyền trong luật vì thực tế y học cổ truyền góp phần quan trọng trong khám chữa bệnh; do đó cần có quy định để quản lý chặt chẽ và có những ưu đãi nhất định. Đại biểu cũng băn khoăn về quản lý giá thuốc hiện nay còn rất nhiều tồn tại, hạn chế. Cần có cơ chế quản lý giá thuốc hữu hiệu nếu không sẽ rất khó khăn cho người có thu nhập thấp và trung bình. Đại biểu cũng đồng tình với việc vận hành sản xuất thuốc theo cơ chế thị trường nhưng phải đảm bảo cả lợi ích của người sử dụng thuốc và nhà sản xuất. Về chứng chỉ hành nghề, đại biểu không đồng tình quy định thời hạn 5 năm mà đề nghị cấp một lần.

   Đối với Luật về hội, đa số các ý kiến đều nhất trí việc ban hành luật này vì quyền lập hội đã được thể hiện từ Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục khẳng định tại Hiến pháp 2013. Việc ban hành luật đảm bảo việc quản lý nhà nước tốt hơn hoạt động của các hội đặc biệt là việc lợi dụng thành lập hội để hoạt động chính trị và chống phá nhà nước, chống phá nhân dân. Các đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật cần giải thích rõ các khái niệm như hội đặc thù, tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp. Luật cần chặt chẽ để khắc phục tình trạng hành chính hoá các hội hiện nay (hiện nay cả nước có trên 52.500 hội, trong đó có 8.792 hội có tinh chất đặc thù). Bộ máy cồng kềnh, biên chế nhiều và là gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

   Đại biểu Nông Thị Lâm đề nghị dự thảo luật quy định để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thành lập hội vừa để quản lý chặt chẽ, giảm chi cho ngân sách Nhà nước; với những hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí cũng cần quy định rõ và công bằng, tránh tinh trạng Trung ương thì có kinh phí mà địa phương lại không được hỗ trợ. Đại biểu cũng đồng tình quy định với các hội như đồng niên, đồng môn, đồng hương, đồng ngũ thì không cần phải đăng ký thành lập.

   Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị quy định số người để phù hợp thực tế, nếu chỉ 3 người đã thành lập hội thì không thực tế. Đại biểu Thành băn khoăn về phân loại đối tượng áp dụng luật đối với một số hội, trong đó có tổ chức thì có luật quy định, có tổ chức thì chỉ có Điều lệ. Đại biểu cũng đề nghị phải quy định trong luật có danh mục các hội do Đảng và Nhà nước thành lập nhằm quản lý được chặt chẽ hơn.

Đặng Ân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *