Sáng ngày 7/9/2022, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Thanh tra (Sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận.
Tại Hội nghị, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã phát biểu ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là cách tiếp cận từ quyền công dân của dự thảo Luật đã góp phần quan trọng thể chế hóa quan điểm của Hiến pháp về quyền làm chủ của nhân dân, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho nhân dân tham gia quản lý Nhà nước và quản lý xã hội.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại phiên thảo luận
Đồng thời, đại biểu đề xuất ý kiến về 02 nội dung trong dự án Luật Thực hiện dân chủ sở cơ sở.
Thứ nhất, tại Điều 15 dự thảo Luật nêu 6 nhóm vấn đề Nhân dân bàn và quyết định, trong đó khoản 6 quy định “Các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội”. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa giải thích công việc tự quản là gì? Phạm vi, giới hạn đến những công việc nào? Quy mô ra sao? Trong khi đó, có lẽ các công việc này sẽ là nội dung được đưa ra bàn và quyết định nhiều nhất tại cộng đồng dân cư. Việc làm rõ khái niệm “tự quản” cũng góp phần làm sáng tỏ nhiều quy định khác có liên quan trong Dự thảo Luật như “tổ chức tự quản” tại khoản 2 Điều 32, khoản 2 Điều 34, “công việc tự quản” tại khoản 3 Điều 49 hay “nội dung tự quản” tại khoản 5 điều 67.
Thứ hai, tại tổ chức sử dụng lao động thì quan hệ lao động là yếu tố đầu tiên, là tiền đề xác lập lên mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động; quyền và nghĩa vụ các bên đã được các quy định pháp luật về lao động điều chỉnh; quan hệ này khác với quan hệ đương nhiên giữa Nhân dân với Nhà nước. Người lao động có 02 vai: 1 vai là Nhân dân, một vai là người làm thuê cho người sử dụng lao động. Tại nơi làm việc thì ưu tiên đầu tiên của người lao động phải là vai thứ 2 tức là vai người làm thuê và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về quan hệ lao động là trên hết. Do đó, đề nghị hết sức cân nhắc việc quy định tại Chương IV của Dự thảo Luật, nhất là quy định về Ban thanh tra nhân dân tại tổ chức sử dụng lao động từ Điều 79 đến Điều 82 của Dự thảo Luật.
Trong trường hợp nếu như vẫn giữ lại quy định về dân chủ cơ sở tại tổ chức sử dụng lao động, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa có 02 ý kiến như sau:
Một là, Khoản 4, Điều 2 dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến tổ chức sử dụng lao động, trong khi Bộ Luật Lao động thì người sử dụng lao động có hộ gia đình, cá nhân. Trước đây theo Nghị định số 78/2015 và Nghị định số 108/2018 của Chính phủ thì hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thuê mướn 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ bởi Nghị định số 01/2021 về đăng ký doanh nghiệp, theo Nghị định số 01/2021, hộ gia đình, cá nhân không bị giới hạn số lượng lao động được phép thuê mướn.
Hai là, dự thảo Luật kế thừa cơ bản các quy định về đối thoại thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong Bộ Luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 145/2020 của Chính phủ. Đồng thời, dự thảo Luật đã sửa khoản 4 Điều 63 của Bộ Luật Lao động theo hướng thu hút các quy định về dân chủ cơ sở vào trong Luật này, không quy định giao cho Chính phủ quy định trong Bộ Luật Lao động.
Tuy nhiên, có nội dung giữ nguyên như Nghị định 145, có nội dung được bổ sung và có nội dung lại bỏ ra nhưng chưa có tiêu chí cụ thể. Ví dụ Điều 67 dự thảo Luật quy định về những nội dung người lao động bàn và quyết định, dự thảo Luật đã bỏ 2 nội dung quan trọng mà người lao động phải quyết định. Đó là việc tham gia tổ chức đại diện hoặc việc tham gia đình công trong quy định của Nghị định 145, trong khi vẫn giữ lại quy định về thương lượng tập thể trong Nghị định 145; do đó, đề nghị xác định lại tiêu chí, nội dung nào do dự thảo Luật quy định, nội dung nàodo pháp luật về lao động quy định, từ đó rà soát sửa đổi, bổ sung cho thống nhất và phù hợp.
HUYỀN PHƯƠNG
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025