VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực tư pháp và nông nghiệp

Thứ Năm, 17 Tháng Tám, 2023 340 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Ngày 15 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 (bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải – Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn thuộc các lĩnh vực của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

‘Hình ảnh Phiên chất vấn tại Tòa nhà Quốc hội

Tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí: Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH khóa XV tỉnh Lạng Sơn. Cùng tham dự có các đồng chí: Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Đoàn Thu Hà, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan đến nội dung phiên chất vấn.

Trong ngày các đại biểu Quốc hội đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung vào các nhóm vấn đề gồm: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ; thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp… thuộc lĩnh vực tư pháp và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo… thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hình ảnh các đại biểu dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao của các ĐBQH; Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn. Các Bộ trưởng đã tập trung trả lời các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm; giải trình khá đầy đủ có tinh thần trách nhiệm và cầu thị các vấn đề liên quan đến những tồn tại, hạn chế; các giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong phạm vi phụ trách.

Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu khẳng định xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là vấn đề quan trọng góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản và là biện pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trên thực tế, hiện nay nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam mặc dù được xuất khẩu trên thị trường quốc tế nhưng vẫn chưa có thương hiệu. Tại buổi tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” do Báo Thanh niên tổ chức vào ngày 06/4/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp đã nhận định rằng hiện tại có 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu, ví dụ như: Cà phê, chè, hồ tiêu, hạt điều… tại tỉnh Lạng Sơn có hồi, quế, thạch đen… là các mặt hàng chủ lực để xuất khẩu nhưng chủ yếu xuất thô ở dạng nguyên liệu nên chưa có nhận diện thương hiệu. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân, giải pháp để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, từ đó xác lập thị trường xuất khẩu, tăng năng suất lao động trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Chúng ta đã có nhiều thương hiệu nông sản đứng chân trên thị trường thế giới. Để có được vị thế ấy là một quá trình mà các doanh nghiệp kiên trì xây dựng thương hiệu, giống như ngành hàng cà phê, lúa gạo… Hiện nay, Bộ đang xây dựng thương hiệu cho ngành hàng Sầu riêng và tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có 107 lượt ĐBQH đăng ký tham gia chất vấn; với 54 lượt đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn trực tiếp và 8 lượt đại biểu tham gia tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm cao, phiên chất vấn đã kết thúc tốt đẹp. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các ĐBQH từ kinh nghiệm hoạt động của mình đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi có chất lượng, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri; thực hiện đầy đủ các quy định về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định. Các Bộ trưởng và trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã giải trình làm rõ thực trạng và đề xuất được nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ĐBQH đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các giải pháp, cam kết tại phiên chất vấn này. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, với các giải pháp mà các Bộ trưởng đã cam kết và với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các ĐBQH, lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên tầm cao mới, đi vào thực chất hơn; ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu./.

                                                                                                     Đàm Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *