VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Nhà văn hóa thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh

Thứ Hai, 14 Tháng Mười Hai, 2020 380 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Nhà văn hóa thôn, khối phố là một trong những thiết chế văn hóa cơ sở rất cần thiết và hữu ích cho sinh hoạt cộng đồng của nhân dân tại địa phương, có đóng góp thiết thực cho các phong trào xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền trên địa bàn tỉnh. Nhằm phát huy giá trị của Nhà văn hóa (NVH) thôn, khối phố trong đời sống nhân dân, ngày 29/7/2016 HĐND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ xây dựng NVH thôn, khối phố; sân tập thể dục thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020. Đến nay sau 05 năm triển khai thực hiện, tính đến hết năm 2019, tỷ lệ thôn, khối phố có NVH trên địa bàn toàn tỉnh là 1.817 NVH/1850 thôn, khối phố (đạt 98,2%).

Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý, sử dụng NVH thôn, khối phố còn gặp một số khó khăn, bất cập. Tỷ lệ NVH đạt chuẩn còn thấp (687 NVH đạt chuẩn, tỷ lệ 37,8%); còn 33 thôn chưa có NVH (1,8%); 122 NVH xuống cấp, hư hỏng, không sử dụng được (6,7%); 1008 NVH đang sử dụng cần mở rộng diện tích và bổ sung trang thiết bị (55,8%)Nhiều NVH xây dựng từ lâu hoặc chuyển đổi từ nhà kho, nhà trẻ thành NVH nên quy mô không phù hợp, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng, nên số lượng; NVH ở một số thôn vùng III chưa có điện…

Hoạt động của NVH thôn, khối phố nhìn chung đúng quy định, góp phần phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên hầu hết hoạt động của NVH chưa thường xuyên, nội dung và hình thức chưa phong phú, mới chủ yếu phục vụ hội họp của thôn, khu phố, sinh hoạt của các chi bộ, đoàn thể, chưa tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em tại NVH khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. So với Thông tư quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của Nhà Văn hóa- khu thể thao thôn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành thì các NVH thôn, khối phố vẫn chưa phát huy hết công năng sử dụng.

        Đội ngũ cán bộ quản lý NVH do Bí thư, Trưởng thôn trực  tiếp  quản  lý  chiếm  75%; do Chủ nhiệm hoặc Ban Chủ nhiệm quản lý chiếm 15%; còn lại một số ít NVH chưa giao cụ thể người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp, có sự luân phiên giữa Bí thư, trưởng thôn và trưởng các đoàn thể quản lý. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý hoặc các Chủ nhiệm NVH còn yếu, thiếu kinh nghiệm để quản lý và tổ chức các hoạt động Nhà văn hóa đạt hiệu quả…

Thực hiện Nghị quyết số 29/NQ- HĐND ngày 10/12/2018 của HĐND tỉnh về việc sáp nhập thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh, đến nay qua rà soát có 878 thôn, khối phố sáp nhập thành 414 thôn, khối phốSau khi thực hiện sáp nhập, trên địa bàn tỉnh đang có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu NVH thôn, khối phố: có 401/414 thôn sử dụng hơn 01 NVH (có thôn sau khi sát nhập sử dụng 02,0 3 NVH; có thôn sau sáp nhập chỉ sử dụng 01 NVH nhưng đã xuống cấp, hoặc không đủ diện tích so với số hộ sáp nhập, không đảm bảo các trang thiết bị để hoạt động); một số thôn NVH sau sáp nhập có vị trí không thuận tiện cho việc đi lại và sinh hoạt của dân cư. Nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư, xây dựng NVH chủ yếu được thực hiện đối với các xã xây dựng nông thôn mới, các xã đặc biệt khó khăn hoặc các thôn chưa có NVH, trong khi NVH các thôn sáp nhập chưa đảm bảo về diện tích và trang thiết bị lại không nằm trong diện được hỗ trợ, do vậy cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động của NVH.

Nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NVH thôn khối phố, để NVH có thể phát huy tốt vai trò, ý nghĩa, làm phong phú và giữ gìn tốt hơn những giá trị văn hóa cộng đồng, trong thời gian tới tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách, huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở; đổi mới, đa dạng các hình thức tổ chức hoạt động của NVH phù hợp với thực tiễn để thu hút đông đảo nhân dân tham gia; quan tâm công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa cơ sở…từng bước đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *