VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Tuần làm việc thứ hai của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 92 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tuần làm việc thức 2, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII có 07 buổi làm việc trên hội trường và 03  buổi thảo luận ở Tổ về các dự án luật Nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; Luật dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội.

    Các đại biểu Quốc hội trong Tổ thảo luận sâu từng nội dung của các dự án luật và có nhiều kiến nghị đối với ban soạn thảo. Đối với dự án Luật nhà ở (sửa đổi) các đại biểu cho rằng dự án luật sửa đổi đã căn cơ hơn, bổ sung 10 vấn đề mới và rất nhiều vấn đề mang tính nhân văn và đánh giá luật này liên quan chặt chẽ đến 3 luật khác cũng được bàn thảo tại kỳ họp này là luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng Luật Nhà ở cần bám sát tinh thần của Hiến pháp là gắn liền nhà ở với đất đai, quy định đảm bảo quyền có nhà ở chứ không đảm bảo quyền sở hữu nhà ở cho công dân. Với các dự án nhà ở, khu đô thị cần có sự phối hợp đầu tư của nhà nước, nhà đầu tư và người dân đối với các công trình phúc lợi như trạm xá, vườn hoa, công viên, chợ…Cần nghiên cứu kỹ và có điều khoản riêng quy định tỷ lệ nhà ở xã hội, quy định rõ hơn điều kiện người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

    Đối với dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) các đại biểu đề nghị có các quy định cụ thể, thông thoáng hơn để nhà đầu tư (người có hàng, tức là nhà) và người dân có nhu cầu mua nhà có thể gặp nhau dễ dàng, không vấp phải các quy định hoặc rào cản thủ tục hành chính, tiếp cận vốn…nhằm phá băng thị trường bất động sản. Đại biểu trong Đoàn cũng đồng tình với phạm vi điều chỉnh của luật là không đưa các giao dịch bất động sản khác mà không có tính chất phổ biến như nhà ở vào luật vì có thể đưa vào Bộ luật dân sự.

    Về dự án luật Doanh nghiệp (sửa đổi); luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh các đại biểu Quốc hội đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đề nghị khắc phục những bất cập khi thực hiện Luật doanh nghiệp chung thay cho Luật Doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp Nhà nước. Quy định chặt chẽ về các doanh nghiệp hoạt động xã hội, doanh nghiệp công ích, làm rõ các khái niệm và các quy định cụ thể liên quan đến hoạt động góp vốn, cổ đông sáng lập và tỷ lệ góp vốn, danh mục lĩnh vực cấm kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như đối với doanh nghiệp trong nước; sớm thay đổi mô hình hoạt động của Tổng công ty quản lý vốn Nhà nước như hiện nay.

    Luật Dạy nghề cũng thu hút sự quan tâm của đại biểu về các nội dung như các loại hình dạy nghê, trường nghề, tên gọi của nhà giáo trường nghề, việc kiểm định chất lượng của trường nghề, về chương trình dạy nghề để đảm bảo hiệu quả, thiết thực tránh lãng phí, đào tạo không đến nơi, đến chốn, đào tạo không gắn với sử dụng.

    Với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đa số các ý kiến đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra là giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của người lao động như Bộ luật lao động để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người lao động và tận dụng sức lao đồng của lớp trẻ hiện ta đang có cơ cấu dân số “vàng” đồng thời khắc phục cách tính lương hưu cho hợp lý, có các giải pháp thích hợp để truy thu nợ bảo hiểm xã hội, tránh chiếm dụng hoặc trốn nộp bảo hiểm cho người lao động; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. mức đóng và mức hưởng mức hỗ trợ đối với một số đối tượng đặc biệt để tránh tình trạng vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội. Cân nhắc việc đưa đối tượng làm việc dưới ba tháng kể cả giao kết bằng văn bản và giao kết bằng miệng về tính khả thi của điều luật.

                                                                      Nguyễn Đặng Ân (lược ghi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *