Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được Quốc hội ban hành năm 1996, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2002, sửa đổi, bổ sung toàn diện và ban hành luật mới năm 2008 (Luật năm 2008). Để tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành văn bản QPPL ở địa phương, Quốc hội đã ban hành Luật Ban hành văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (Luật năm 2004). Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành các Nghị định, Thông tư, Thông tư liên tịch quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật như: Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND; Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản (văn bản QPPL và văn bản hành chính) (sau đây gọi chung là Thông tư liên tịch số 55); Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính (gọi chung là Thông tư số 01); Thông tư số 25/2011/TT-BTP ngày 27/12/2011 của Bộ Tư pháp về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản QPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và văn bản QPPL liên tịch (gọi chung là Thông tư số 25)…
Từ năm 1996 đến nay, trên cơ sở các quy định của Luật và hệ thống văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL đã được chuẩn hóa, chất lượng văn bản QPPL từng bước được nâng lên góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Để thực hiện các quy định của pháp luật về công tác soạn thảo, ban hành văn bản quản lý nhà nước hiện nay, việc phân biệt và áp dụng đúng đắn những quy định tại Thông tư liên tịch số 55, Thông tư số 01, Thông tư số 25 đã nêu trên là rất cần thiết. Cả 03 Thông tư này đến nay đều có hiệu lực thi hành và mỗi Thông tư có phạm vi, đối tượng áp dụng khác nhau.
1. Thông tư số 01/2011/TT– BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính
Phạm vi và đối tượng áp dụng: Thông tư này hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính và bản sao văn bản; được áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức).
Tên loại văn bản hành chính được quy định rõ tại Phụ lục I (có 32 tên loại văn bản hành chính) như: Nghị quyết (cá biệt), Quyết định (cá biệt), Chỉ thị (cá biệt), Quy chế, Quy định, Thông cáo, Thông báo, Hướng dẫn, Chương trình, Kế hoạch, Đề án, Dự án, Báo cáo, Biên bản, Tờ trình, Công văn….
Mẫu trình bày văn bản hành chính quy định tại Phụ lục V (19 mẫu); Thông tư số 01 bổ sung nhiều mẫu văn bản hành chính mà ở Thông tư liên tịch số 55 không có như: Nghị quyết (cá biệt) của Thường trực HĐND, Quyết định (cá biệt) quy định trực tiếp, gián tiếp (Quyết định ban hành văn bản kèm theo), công điện, biên bản, thư công. Thông tư liên tịch số 55 chỉ có 03 mẫu trình bày văn bản hành chính và 01 mẫu chung cho các hình thức văn bản hành chính khác.
Về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản theo từng thành phần cấu thành văn bản (khổ giấy, kiểu trình bày, định lề văn bản, ví trí trình bày các thành phần thể thức, phông chữ, cỡ chữ, kiểu chữ…), Thông tư số 01 có nhiều quy định cụ thể, rõ ràng, thuận tiện trong việc áp dụng khi soạn thảo văn bản. Việc viết hoa trong văn bản hành chính được quy định tại Phụ lục VI.
Thông tư số 01 có hiệu lực thi hành từ ngày 05/3/2011. Điều 18 Thông tư 01 quy định: “Những quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính và bản sao văn bản được quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính trái với Thông tư này bị bãi bỏ” .
Thông tư số 01 chỉ bãi bỏ một phần Thông tư liên tịch số 55; Thông tư liên tịch số 55 vẫn còn hiệu lực đối với phần thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản QPPL (phần thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản QPPL tại Thông tư liên tịch số 55 cũng cần phải phân biệt rõ phạm vi, đối tượng áp dụng với Thông tư số 25).
Như vậy, các cơ quan, tổ chức khi soạn thảo, ban hành văn bản hành chính và bản sao văn bản thì áp dụng quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản tại Thông tư số 01. Việc áp dụng nghiêm túc Thông tư số 01 đảm bảo cho công tác văn bản hành chính đi vào nề nếp và khoa học.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 18 của Thông tư số 01 nêu trên có dấu hiệu trái với quy định tại Điều 9 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008. Về nguyên tắc, việc sửa đổi, bãi bỏ quy định tại một văn bản liên tịch phải bằng một văn bản liên tịch của các cơ quan đã ban hành văn bản đó hoặc bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Mặt khác, quy định chung chung “trái với Thông tư này bị bãi bỏ” mà không xác định rõ tên điều, khoản, điểm bị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ là không đúng với nguyên tắc xây dựng văn bản QPPL.
2. Thông tư số 25/2011/TT-BTP ngày 27/12/2011 của Bộ Tư pháp, Về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản QPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và văn bản QPPL liên tịch…
Phạm vi và đối tượng áp dụng: Thông tư này hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản QPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và văn bản QPPL liên tịch giữa Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với cơ quan, tổ chức khác.
Thông tư 25 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2012. Điều 42 Thông tư này quy định: “thay thế các quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản đối với văn bản QPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và văn bản QPPL liên tịch tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản”.
3. Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản
Phạm vi và đối tượng áp dụng: Thông tư này hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản QPPL, văn bản hành chính và bản sao văn bản; được áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và đơn vị vũ trang nhân dân.
Thông tư 55 có hiệu lực thi hành từ ngày 05/6/2005.
Như đã phân tích ở trên, Thông tư 01 và Thông tư 25 đều có quy định bãi bỏ, thay thế Thông tư 55 là bởi vì: hai Thông tư mới ban hành đều có các quy định mới sửa đổi, thay thế quy định cũ về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản QPPL, văn bản hành chính và bản sao văn bản đã được hướng dẫn chung tại Thông tư 55. Thông tư 55 còn hiệu lực đối với: Phần hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản QPPL (trừ phạm vi, đối tượng áp dụng tại Thông tư 25). Khi soạn thảo, ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp cần thực hiện nghiêm túc các quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày tại Thông tư 55.
Hiện nay, Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới (trên cơ sở hợp nhất Luật năm 2008 và Luật năm 2004) đang được các tỉnh, thành phố đóng góp ý kiến theo đề nghị của Bộ Tư pháp và Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ (Ban hành kèm theo Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Những hạn chế, bất cập cả về khoa học pháp lý và thực tiễn áp dụng; những quy định chưa hợp lý, thiếu tính khả thi trong quá trình thực hiện song song hai luật về ban hành văn bản QPPL (Luật năm 2008 và Luật năm 2004) như: Khái niệm văn bản QPPL, hình thức văn bản, quy trình xây dựng, hiệu lực văn bản…sẽ được đề cập, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp khi xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới. Theo đó, hệ thống những văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cũng sẽ được hoàn thiện hơn. Hiện tại, để soạn thảo, ban hành văn bản quản lý nhà nước, cần phân biệt và áp dụng đúng đắn những Thông tư hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản nêu trên.
Trần Thị Liên
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát tại huyện Đình Lập
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam