Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, ngày 30/10/2021 buổi sáng Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; buổi chiều Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025). Đồng thời nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan.
Phát biểu thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lạng Sơn đã có bài phát biểu tham gia về Nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… cụ thể là về cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng sơn tham dự phiên hợp trực tuyến
Đại biểu cho rằng ngành nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, sự thay đổi của ngành nông nghiệp ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập, nâng cao mức sống về mọi mặt của hàng chục triệu người nông dân, ảnh hưởng lớn đến bộ mặt của nông thôn. Qua 2 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới và trong nước đã cho thấy vai trò nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, khu vực nông thôn lại trở thành chỗ dựa vững chắc, sẵn sàng dang tay đón lao động từ các khu công nghiệp, các thành phố lớn quay trở về như thời gian vừa qua. Nhưng qua đó cũng cho thấy ngành nông nghiệp cần phải thay đổi, phải cơ cấu lại để thích ứng với thực tiễn nhiều biến động và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.
Đại biểu đồng tình và nhất trí cao với mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã nêu trong báo cáo của Chính phủ. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đưa ra đã cơ bản giải quyết được những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay là thiếu bền vững, kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định,… Chính phủ cũng đã đưa các giải pháp về kinh tế số, kinh tế xanh và giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp; các giải pháp đưa ra cũng đã bám sát với các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo đại biểu: mặc dù là nước nông nghiệp, xuất khẩu gạo gần như lớn nhất thế giới, nhưng Việt Nam cũng là nước nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp rất lớn. Đại biểu cho rằng ngành nông nghiệp cần phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón và các nguyên liệu khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để hỗ trợ người nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, từ đó tăng khả năng cạnh tranh với thị trường quốc tế. Đại biểu xuất với Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét đưa nội dung tiến tới tự chủ về nguyên liệu sản xuất vào trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về giá cả, thị trường, dự báo nhu cầu trong nước và thế giới, đại biểu cho rằng đây là nội dung mà các doanh nghiệp và người nông dân đang rất mong đợi, để có được thông tin về giá cả, thị trường rõ ràng trên cơ sở đó người nông dân, doanh nghiệp sẽ biết mình cần phải sản xuất mặt hàng gì; mua con giống, phân bón uy tín, chất lượng ở đâu và bán sản phẩm ở thị trường nào. Tuy nhiên, trong Danh mục các đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp có 10 đề án, nhưng không có đề án nào thực hiện về nhiệm vụ này. Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có giải pháp thực hiện nhiệm vụ này đạt hiệu quả, đáp ứng được mong đợi của người nông dân.
Để góp phần thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về giá trị sản phẩm lâm nghiệp đối với các tỉnh miền núi có thế mạnh về phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó bao gồm cả Lạng Sơn hiện nay đang gặp khó khăn trong việc không được cải tạo rừng nghèo kiệt là rừng sản xuất sang trồng rừng mới có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đại biểu đề xuất Chính phủ có cải cách về thể chế, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 13/CT-TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng phù hợp với từng vùng, tạo điều kiện để người dân có thể dựa vào rừng để phát triển kinh tế mà vẫn bảo đảm giữ và bảo vệ rừng.
Theo chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, thành phố Hà Nội từ ngày 08/11/2021 và bế mạc vào ngày 13/11/2021.
Quốc Khánh
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Quyết định Ban hành Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới của Đảng bộ Hội đồng nhân dân tỉnh
Kỳ họp thứ ba mươi lăm HĐND tỉnh
Báo cáo số 1518/BC-HĐND06/12/2024 của Thường trực HĐND tỉnh về tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ ba mươi mốt (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026
Báo cáo số 1538/BC-ĐGS-KTNS ngày 12/12/2024 của Ban KT-NS HĐND tỉnh Giám sát về tình hình, kết quả thực hiện Hợp phần 3 thuộc Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn -Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn
Báo cáo số 1523/BC-ĐGS ngày 06/12/2024 của Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kết quả giám sát tình hình và kết quả thực hiện Đề án Phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, giai đoạn 2022 -2025
Báo cáo số 758/BC-ĐGS ngày 10/07/2024 của Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát tình hình, hiệu quả thực hiện các đề tài/dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh được công nhận năm 2020,2021,2022; kết quả ứng dụng trong thực tế hiện nay
Kế hoạch số 1611/KH-HĐND ngày 26/12/2024 của Ban KT-NS HĐND tỉnh thực hiện chương trình giám sát của Thường trực HĐND tinh năm 2025 Báo cáo Kết quả giám sát tình hình, hiệu quả thực hiện các đề tài/dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh được công nhận năm 2020,2021,2022; kết quả ứng dụng trong thực tế hiện nay
Kế hoạch số 959/KH-ĐGS-KTNS ngày 04/09/2024 của Ban KT-NS HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn