VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 140 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Sáng ngày 9/6/2014 Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch. Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham gia thảo luận cùng với các Đoàn ĐBQH Sơn La, Quảng Trị và Sóc Trăng.

    Theo Tờ trình của Chính phủ để đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhân dân và góp phần quản lý xã hội, kể từ khi thống nhất đất nước đến nay, Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về căn cước công dân; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội…Tuy nhiên những quy định này còn tản mạn, chủ yếu được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ nên hiệu lực thi hành thấp. Tại Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Căn cước công dân liên quan trực tiếp đến những quyền này; vì vậy, xây dựng Luật Căn cước công dân để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân liên quan đến căn cước công dân. Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ Căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến vừa bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử theo yêu cầu của hội nhập quốc tế.

    Các vị đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; việc phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho UBND cấp xã và UBND cấp huyện; việc cấp giấy khai sinh, giấy chứng hận kết hôn và quan hệ giữa việc cấp Giấy khai sinh với Thẻ căn cước công dân; việc cấp trích lục hộ tịch…Tham gia góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; tuy nhiên đại biểu đề nghị Luật cần quy định rõ một số nội dung để Luật có tính khả thi: quy định làm Thẻ căn cước công dân có bắt buộc không; nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện…cần thiết đáp ứng việc cấp thẻ căn cước công dân; lộ trình thực hiện Thẻ căn cước công dân; việc chuyển từ Chứng minh thư nhân dân sang làm Thẻ căn cước công dân có bắt buộc không; Thẻ căn cước công dân có thay thế giấy tờ tùy thân của công dân đó không…

    Về luật Hộ tịch, nhiều nội dung dự thảo Luật Hộ tịch xác định rõ 3 loại việc hộ tịch phổ biến, đã và đang phát sinh trên thực tế cần được đăng ký, gồm: Xác nhận các sự kiện hộ tịch như sinh, tử, kết hôn và các sự kiện khác; ghi vào sổ những việc dẫn đến thay đổi tình trạng hộ tịch của cá nhân theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như xác định lại dân tộc, giới tính, quyết định về quốc tịch, nuôi con nuôi; ghi vào sổ những việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Cùng với việc đổi mới về phương thức yêu cầu đăng ký hộ tịch, dự thảo Luật có những quy định mang tính cải cách về thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch (từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn 25 thủ tục) và cắt giảm giấy tờ khi yêu cầu đăng ký hộ tịch. Đối với một số việc hộ tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân là khai sinh, kết hôn, dự thảo Luật quy định sau khi đăng ký người dân vẫn được cấp bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

    Góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh tán thành sự cần thiết ban hành Luật Hộ tịch, nhất trí với nhiều nội dung của dự Luật nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền công dân, quyền con người, phù hợp với lộ trình đã được đặt ra để triển khai thi hành Hiến pháp. Đại biểu đề nghị cần xem xét, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung trong một số điều luật để thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện như quy định phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài để đồng bộ, tương thích với các Luật khác; làm rõ tính pháp lý, tính khả thi của dự án Luật; đề nghị làm rõ “trích lục hộ tịch” áp dụng trong Luật; Luật quy định thống nhất một loại giấy tờ, tránh phiền hà cho nhân dân…

    Cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012; nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015 và thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015./.

Hoàng Thị Kim Vân

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *