Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 6/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dự án Luật trình tại kỳ họp lần này cơ bản đã khắc phục những bất cập của Luật hiện hành theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Thảo luận dự án Luật, các đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định sĩ quan quân đội được chế độ phụ cấp nhà ở, chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đảm bảo nhà ở theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, trong điều kiện ngân sách hiện nay quy định rộng rãi đối tượng được hưởng về phụ cấp nhà ở sẽ khó khả thi, do vậy cần hướng tới những đối tượng được ưu tiên như những người làm nhiệm vụ ở các khu vực khó khăn, nguy hiểm; đề nghị sĩ quan quân đội được luân chuyển, được điều động đến công tác ở những địa bàn khó khăn, địa bàn chiến lược quan trọng, tham gia chiến đấu, và sẵn sàng chiến đấu theo yêu cầu nhiệm vụ thì bản thân gia đình được xét phụ cấp hỗ trợ về nhà ở, vị trí công tác của người thân được đảm bảo nhà công vụ theo quy định. Về quy định số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong Luật số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp tướng, hoặc nếu không quy định cụ thể thì phải có văn bản pháp luật khác quy định. Về việc tách lương khỏi quân hàm, nhiều đại biểu đề xuất tách lương ra khỏi quân hàm để không tăng số lượng tướng nhưng vẫn đảm bảo chế độ đãi ngộ tốt với sĩ quan quân đội…
Đại biểu Nông Thị Lâm phát biểu tham gia ý kiến vào dự án Luật
Tham gia ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Nông Thị Lâm, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhất trí việc bỏ quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tướng đối với một số chức vụ. Tuy nhiên, ở một số vị trí cần phải nghiên cứu, xem xét như Chủ nhiệm Khoa Mác – Lênin, Học viện Quốc phòng không được phong quân hàm Thiếu tướng. Đại biểu cho rằng khoa Mác – Lênin trang bị cho học viên những kiến thức quan trọng về thế giới quan, phương pháp luận, tư duy ở tầm chiến lược, chiến dịch, vì vậy cần xem xét Chủ nhiệm khoa phải là cấp tướng để bảo đảm vị trí, tầm quan trọng. Mặt khác, việc giáo dục tư tưởng Mác – Lênin ở các trường đại học hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy, việc bỏ quân hàm Thiếu tướng đối với Chủ nhiệm khoa Mác – Lênin là vấn đề khá nhạy cảm hiện nay cần cân nhắc. Khoa Quân chủng của Học viện Quốc phòng có nhiệm vụ đào tạo quan trọng, nhất là việc đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân đội về chiến lược bảo vệ biển đảo, bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Do vậy, đại biểu đề nghị cần giữ nguyên quy định quân hàm cấp tướng cho Chủ nhiệm khoa Quân chủng của Học viện Quốc phòng như Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân hiện hành.
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Hoàng Kim Vân
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát tại huyện Đình Lập
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam