VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Quốc hội khóa VX khai mạc Kỳ họp thứ 8

Thứ Tư, 23 Tháng Mười, 2024 75 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng Đoàn tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Tòa Nhà Quốc hội.

Các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên khai mạc

Tại phiên họp trù bị, các vị đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Quốc hội sẽ làm việc trong 29,5 ngày, từ ngày 21/10 đến ngày 30/11/2024; chia làm 02 đợt: đợt 1 từ ngày 21/10 đến ngày 13/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11. Theo chương trình của Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung:

Về công tác lập pháp đây là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của Kỳ họp, có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận, trong đó, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 15 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 13 dự án luật khác. Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân cả nước rất quan tâm.

Về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025 – 2027); tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2025. Xem xét, quyết định: Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030; chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và nhiều nội dung quan trọng khác.

Về giám sát tối cao Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”; thảo luận, xem xét các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

Buổi chiều cùng ngày dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp riêng tiếp tục tiến hành quy trình, thủ tục bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Sau đó, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lương Cường bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả có 440 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91.67% tổng số ĐBQH), trong đó có 440 đại biểu tán thành (bằng 91.67% tổng số ĐBQH). Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường đã tiến hành tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.

Đàm Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *