VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Năm 2019: Thí điểm sáp nhập ba văn phòng cấp tỉnh

Chủ Nhật, 20 Tháng Năm, 2018 211 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Ngày 20/7/2018 Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND và ba Văn phòng các tỉnh khu vực phía bắc cùng đại diện Bộ Tài chính và các đơn vị của Văn phòng Quốc hội tham dự Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Đề án chủ trì hội nghị.

Các Đồng chí Dương Xuân Hòa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo 3 Văn phòng của tỉnh dự Hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận sâu xung quanh các vấn đề như tên gọi, vị trí của Văn phòng chung trong hệ thống các cơ quan của địa phương; chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức, biên chế; phương thức hoạt động và mối quan hệ công tác của Văn phòng chung, sự phân cấp trong nội bộ Văn phòng và mối quan hệ công tác giữa Văn phòng với các cơ quan khác; về các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Văn phòng; về thời gian thực hiện thí điểm và cơ cấu số lượng các địa phương thực hiện thí điểm.

Théo báo cáo của Văn phòng Quốc hội thì với ba Văn phòng riêng như hiện nay thì trên toàn quốc có 189 cơ quan và trên 500 lãnh đạo tương đương Giám đốc, Phó Giám đốc sở và hình thành nhiều đơn vị trung gian cấp phòng (trên 860 phòng) và trên 2000 Trưởng,  Phó các phòng. Theo tính toán sơ bộ như dự thảo phương án của Đề án thì nếu thành lập Văn phòng chung sẽ giảm được 126 Chánh Văn phòng và ít nhất 126 Phó Chánh Văn phòng, khối hành chính, quản trị sẽ được tổ chức lại thành bộ phận giúp việc chung. Lãnh đạo Văn phòng sẽ đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ hơn tuy nhiên được phân công theo khối công việc cụ thể, có nhiều thới gian nghiên cứu về chuyên môn hơn. Kinh phí hoạt động và đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Văn phòng do một đầu mối quản lý sẽ tạo sự thống nhất và thuận lợi hơn.

Theo Đề án, khi hợp nhất Văn phòng chung có Chánh Văn phòng và không quá 04 Phó Chánh Văn phòng; có tối đa 11 phòng và đơn vị sự nghiệp và như vậy sẽ giảm đáng kể so với 861 phòng như hiện nay.

Dự kiến Nghị quyết về danh sách đại phương thực hiện thí điểm, tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được Ủy ban Thường vụ sớm ban hành sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan trong toàn quốc và thực hiện trong năm 2019, tiến hành tổng kết năm 2020 và thống nhất thực hiện trên toàn quốc vào đầu nhiệm kỳ 2021-2026.

 

Nguyễn Đặng Ân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *