Bộ TN&MT đang đẩy nhanh tiến độ triển khai việc xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ để trình Quốc hội khóa XIII thông qua vào năm 2015. Bất cập của văn bản dưới Luật
Vào thời điểm này, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh quan hệ đo đạc và bản đồ là Nghị định số 12/200/2/NĐ- CP của Chính phủ về đo đạc và bản đồ. Tuy nhiên, do là văn bản dưới luật nên tính pháp lý chưa cao, chưa đủ tầm để điều chỉnh các hoạt động đo đạc và bản đồ theo yêu cầu thống nhất quản lý toàn diện các hoạt động đo đạc và bản đồ, chưa bắt buộc mọi người đều tuân thủ thực hiện.
Theo ThS. Lê Minh Tâm (nguyên Phó Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam), có rất nhiều hạn chế trong Nghị định 12. Đó là: một số chính sách thiếu cơ chế thực thi, quy định về quản lý trong văn bản nhìn chung nặng về phân công, áp đặt mà chưa có cơ chế, chế tài đảm bảo cho việc thực hiện. Bên cạnh đó, thiếu quy định về quản lý trình độ, năng lực chuyên môn của cá nhân điều hành hoạt động là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng của công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ. Ngoài ra, có một hạn chế mang tính khách quan là đa số cơ quan cấp bộ và nhiều cơ quan liên quan khác được đề cập trong Nghị định 12 đến nay đã thay đổi về tên gọi và tổ chức bộ máy.
Các nhà nghiên cứu về đo đạc và bản đồ cho rằng, hoạt động đo đạc và bản đồ có đặc thù là bao trùm một phạm vi rất rộng các lĩnh vực đời sống xã hội. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng đều sử dụng bản đồ trong công việc của mình. Thực tế, các quốc gia trên thế giới đều quan tâm tới quản lý hoạt động này nhằm, tránh sự chồng chéo lãng phí trong đo đạc, lập bản đồ và đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống thông tin đo đạc và bản đồ để thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành, quản lý xã hội và công tác quy hoạch, kế hoạch.
Theo ThS. Lê Minh Tâm, vấn đề xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ ngày càng phát triển đòi hỏi nhà nước cần phải có biện pháp quản lý thích hợp để phát huy tiềm năng của tất cả các lực lượng trong xã hội và sử dụng tốt nhất thành quả đo đạc và bản đồ một cách hiệu quả và kinh tế. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ rất đa dạng và phong phú. Cả nước hiện có hơn 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhưng chưa quản lý được và chưa có hành lang pháp lý cụ thể để họ thực hiện.
Luật hóa đảm bảo các hoạt động đo đạc và bản đồ
Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ” do Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam thực hiện mới đây cũng đã chỉ ra rằng, nội dung chính của Luật Đo đạc và Bản đồ cần bao quát được toàn bộ nội dung cần quản lý để đảm bảo cho hoạt động đo đạc và bản đồ đạt các yêu cầu cơ bản. Đó là: Không đo đạc chồng chéo, lãng phí; hướng tới việc thống nhất sử dụng chung sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản để tránh lãng phí và thuận tiện cho công tác qui hoạch, kế hoạch và quản lý kinh tế xã hội; đảm bảo độ chính xác và chất lượng sản phẩm để không dẫn đến những mâu thuẫn trong quá trình sử dụng chung.
Đặc biệt, Luật Đo đạc và Bản đồ phải kế thừa ưu điểm, khắc phục những qui định không có tính khả thi của pháp luật về đo đạc và bản đồ hiện hành; làm rõ, bổ sung những qui định cần thiết khác. Tổng hợp những qui định cơ bản trong các qui phạm pháp luật hiện hành đưa vào Luật để giảm bớt tình trạng sau Luật vẫn cần rất nhiều văn bản dưới luật.
Khung Luật Đo đạc và Bản đồ được đề xuất xây dựng gồm 8 chương và 75 điều, đề xuất nhiều nội dung quan trọng để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Trong đó, sẽ quy định tính tự chịu trách nhiệm của các bộ, ngành có hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành. Ngoài ra, sẽ có nội dung quy định rõ và đầy đủ việc quản lý sử dụng và bảo vệ dấu mốc đo đạc, vấn đề biên giới và địa giới hành chính, hoạt động xuất bản bản đồ. Đặc biệt, sẽ bổ sung những nội dung quản lý địa danh tại Nghị định 12 có tham khảo luật và thực tế quản lý địa danh của các nước trên thế giới, đề xuất dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ nên đưa ra các quy định tạo điều kiện thuận lợi để triển khai theo hướng có một Uỷ ban quốc gia (cơ quan quản lý quốc gia) về địa danh mà thường trực là Bộ TN&MT, các địa phương có Uỷ ban địa danh của tỉnh với thường trực là cơ quan quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ cấp tỉnh (Sở TN&MT)…
Hy vọng, sau khi có Luật Đo đạc và Bản đồ sẽ loại bỏ tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí, đồng thời có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiến tiến nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ mọi mặt kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng cũng như tạo khung pháp lý thuận lợi cho việc các tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ tại Việt Nam.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát tại huyện Đình Lập
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam