VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, một nhiệm kỳ nhìn lại

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 249 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII là nhiệm kỳ Quốc hội của thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong nhiệm kỳ, hoạt động của Quốc hội ngày càng được đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

   Cùng với những đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, phát huy kết quả đạt được của các nhiệm kỳ trước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ khoá XIII đã tích cực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định pháp luật, góp phần vào những kết quả đạt được chung của Quốc hội.

Đ/c Trần Thị Hoa Sinh, PTĐ ĐBQH tỉnh phát biểu tại cuộc giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 10/2011/QH13 tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lạng Sơn

    Giám sát là một trong những hoạt động quan trọng, thường xuyên và là một trong những chức năng cơ bản của Đoàn đại biểu Quốc hội. Thực hiện tốt các hoạt động giám sát sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả của cơ quan quyền lực nhà nước, đảm bảo việc thực thi pháp luật tại địa phương. Do vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã xác định hoạt động giám sát là một trong những nội dung rất quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Để hoạt động giám sát không mang tính hình thức, trước khi giám sát Đoàn đại biểu Quốc hội gửi văn bản cho các đơn vị, địa phương chịu sự giám sát chuẩn bị kỹ nội dung trả lời theo yêu cầu. Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng chủ động nghiên cứu, tìm hiểu cụ thể về đối tượng giám sát, cũng như nắm rõ các chính sách, văn bản pháp luật có liên quan. Từ thực tiễn của tỉnh, qua hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh không chỉ đề xuất những chủ trương, giải pháp với Quốc hội cho những vấn đề chung mà còn góp phần cùng với chính quyền địa phương khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

   Thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp, trong nhiệm kỳ Đoàn đã chủ trì, tổ chức 13 cuộc giám sát tại 39 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội; tổ chức khảo sát; chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức 10 cuộc giám sát chuyên đề. Một số nội dung được Đoàn tổ chức giám sát như: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 – 2012”; “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng trên địa bàn giai đoạn 2011 – 2013”, “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004- 2014”…Kết thúc mỗi cuộc giám sát, Đoàn xây dựng báo cáo kết quả giám sát, đồng thời chỉ ra những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương; từ đó đưa ra các kiến nghị đối với các cơ quan Trung ương và địa phương liên quan đến nội dung giám sát (trong nhiệm kỳ Đoàn đã tổng hợp 114 kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, 76 kiến nghị gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh). Nhiều kiến nghị của Đoàn đã được các cơ quan, các ngành, các cấp tiếp thu, xem xét giải quyết.

   Tại các kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện giám sát thông qua việc nghe, thảo luận báo cáo kết quả thực hiện công tác hàng năm của các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, công tác dân nguyện, tiếp công dân; báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri, về công tác dân nguyện, tiếp công dân, các báo cáo của Chính phủ, các báo cáo kết quả thực hiện các cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đoàn cũng đã thực hiện giám sát thông qua hoạt động chất vấn tại hội trường; thông qua các phiên chất vấn trực tuyến, giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, tham gia giám sát chuyên đề trước và sau kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

   Thực hiện quyền chất vấn tại kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có 12 ý kiến chất vấn trực tiếp và chất vấn bằng văn bản đối với các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ về việc thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2016- 2020, về việc tinh giản biên chế và chính sách giảm nghèo, việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tình trạng lao động qua biên giới; về Chương trình hỗ trợ áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng nông thôn miền núi…Thông qua hoạt động chất vấn các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm, đồng tình, ủng hộ.

   Nhìn chung, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo theo chương trình, kế hoạch đã đề ra; công tác phối hợp trong hoạt động giám sát được tăng cường, hạn chế được tình trạng chồng chéo, trùng lắp gây khó khăn cho cơ sở và nâng cao hiệu quả và tính toàn diện trong hoạt động giám sát. Bên cạnh đó các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát cũng luôn phối hợp, trao đổi giúp cho Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát được thuận lợi. Do vậy, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trên địa bàn ngày càng có ý nghĩa thiết thực, vừa giúp cho chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, vừa góp phần phổ biến, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của công dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri, nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *