VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn tháng 4 năm 2021

Thứ Ba, 14 Tháng Mười Hai, 2021 122 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Chiều ngày 12/4, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên họp tháng 4 năm 2021 để nghe các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo, giải trình làm rõ về tình hình thực hiện đối với một số cơ chế, chính sách, đề án trong lĩnh vực nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Đoàn Thị Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 08/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2025 (Nghị quyết 08); Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 25/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết 2 sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2020-2030 (Nghị quyết 06); Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030 được phê duyệt tại Quyết định số 234/QĐ-UBND ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh (Đề án).

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp

 

Tại phiên họp, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đã đề nghị các sở, ngành liên quan và một số huyện giải trình làm rõ về quá trình tổ chức triển khai, thực hiện các nghị quyết và đề án như: chính sách hỗ trợ đầu tư cho các dự án nông nghiệp; việc phân cấp cho cấp huyện, cấp xã trong phê duyệt dự án; phân bổ nguồn vốn thực hiện đề án phát triển lâm nghiệp bền vững; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận chính sách; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường…, phương hướng, giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Sau khi các nghị quyết, đề án được ban hành, UBND tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, tổ chức kiểm tra, đánh giá, bố trí nguồn vốn phù hợp.

Đồng chí cũng làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm, đồng thời nêu một số vấn đề còn bất cập trong thực hiện các nghị quyết và đề án. Đồng thời đề nghị đối với các sở, ngành của tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để sửa đổi một số nội dung Nghị quyết 08 cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tiếp tục có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ. Đối với Nghị quyết 06 và Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững, đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới…

Kết luận tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, các nghị quyết và đề án sau khi được ban hành, triển khai tổ chức thực hiện, bước đầu đạt kết quả nhất định. Thời gian tới đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành UBND các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 06, Nghị quyết 08 và đề án một cách toàn diện, đồng bộ, tích cực và hiệu quả hơn; cân đối bố trí nguồn vốn để tổ chức thực hiện theo kế hoạch đề ra. Đề nghị các sở, ngành và các huyện, thành phố tích cực đề cao trách nhiệm trong tham mưu đề xuất, hướng dẫn, tuyên truyền đến từng đối tượng phù hợp, hiệu quả.

Đối với Nghị quyết 08, các sở, ngành liên quan cần phối hợp rà soát lại các nội dung không phù hợp, không khả thi, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sớm điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Đối với Nghị quyết 06 cần xây dựng kế hoạch, ban hành cơ chế chính sách phù hợp hơn để khuyến khích nhân dân trồng, phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao, cây dược liệu, xác định vùng trồng trên địa bàn tỉnh, xây dựng chương trình hỗ trợ kinh tế tập thể. Đối với Đề án phát triển lâm nghiệp cần xác định ranh giới 3 loại rừng, xác định vùng trồng, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp đất lâm nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình trên địa bàn.

Vương Lê Hoàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *