Năm 2014, với nhiều cố gắng trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo quy định, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả trên từng lĩnh vực.
Về công tác xây dựng pháp luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội và các ngành vào 25 dự án luật trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, thứ tám Quốc hội khóa XIII, tổng hợp báo cáo đúng quy định. Các đại biểu Quốc hội của tỉnh cùng các ngành có liên quan đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tham gia nhiều ý kiến có chất lượng, sát thực tế vào các dự án luật. Tại các kỳ họp Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã tích cực phát biểu ở tổ, hội trường, chất vấn, đóng góp ý kiến vào các dự án luật (45 lượt phát biểu tại tổ và hội trường, đóng góp ý kiến vào 24 dự án luật và các nội dung khác).
Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh năm 2014
Về hoạt động giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề các nội dung: “Việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005- 2012”; “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015” trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; “Tình hình thực hiện Nghị quyết494/NQ-UBTVQH13 và bước đầu thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 về chính sách ưu đãi người có công với Cách mạng” trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội là thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tham gia đầy đủ các Đoàn giám sát, khảo sát của Trung ương tại tỉnh và một số địa phương trên cả nước. Hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện đúng theo kế hoạch, bám sát chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề bức xúc của đời sống được dư luận xã hội và cử tri quan tâm như việc tái cơ cấu kinh tế, chính sách an sinh xã hội…Qua giám sát, Đoàn đã có báo cáo đánh giá cụ thể những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập còn tồn tại, đồng thời đề xuất kiến nghị kiến nghị thiết thực với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và dịa phương. Thông qua giám sát Đoàn đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ các Bộ, ngành Trung ương 24 vấn đề; kiến nghị với UBND tỉnh 13 vấn đề cần giải quyết, tập trung vào một số vấn đề như: điều chỉnh chuẩn nghèo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, xem xét điều chỉnh cách xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo hướng đa chiều, đa lĩnh vực; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công với Cách mạng; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về doanh nghiệp nhà nước và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện; ban hành chính sách hỗ trợ các tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội; sớm sửa đổi, bổ sung các luật: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Luật doanh nghiệp; ban hành Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tiễn…Một số kiến nghị sau hoạt động giám sát của Đoàn đã được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền như kiến nghị về điều chỉnh chuẩn nghèo, cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm thực hiện. Đoàn phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân định kỳ (16 buổi), 116 lượt công dân. Thông qua các buổi tiếp công dân, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã nghe, tiếp thu các ý kiến và đề nghị của công dân, nhận đơn, đôn đốc và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết kịp thời, đúng quy định, đồng thời tuyên truyền giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và chấp hành các quy định pháp luật. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhận được 161 đơn kiến nghị, đề nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó có 18 đơn khiếu nại, 32 đơn tố cáo, 111 đơn kiến nghị, đề nghị. Sau khi phân loại đơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã xử lý chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Năm 2014, Đoàn nhận được 10 công văn phúc đáp của các cơ quan có thẩm quyền.
Về công tác tiếp xúc cử tri (TXCT), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND, Thường trực Ủy ban MTTQ, các huyện, thành phố tổ chức cho các đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thứ bảy, thứ tám Quốc hội khóa XIII; lựa chọn, bố trí các điểm TXCT, trong đó đặc biệt quan tâm bố trí TXCT đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Năm 2014, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức TXCT tại 34 điểm trên địa bàn 11 huyện, thành phố, với tổng số 2200 cử tri tham dự, có 225 lượt ý kiến, phát biểu về nhiều vấn đề khác nhau. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, quốc phòng- an ninh với các kiến nghị về cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ hưu trí; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới… nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tăng cường tổ chức TXCT chuyên đề đối với các ngành để lấy ý kiến về công tác xây dựng pháp luật, đồng thời tổ chức các hội nghị TXCT của đại biểu Quốc hội tại nơi cư trú và nơi công tác. Các kiến nghị chính đáng của cử tri được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan giải quyết, trả lời theo quy định. Đoàn đã nhận được ý kiến trả lời cử tri của 17 Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Lạng Sơn, chuyển trả lời của các bộ, ngành đến 10 huyện, 27 xã, 01 thị trấn, 03 đơn vị và cử tri có kiến nghị trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh còn thực hiện công tác xã hội như thăm hỏi, tặng quà các đơn vị tập thể, cá nhân, gia đình chính sách nhân dịp các ngày lễ, tết, các cuộc tiếp xúc cử tri, giám sát của Đoàn. Công tác xã hội hiệu quả đã tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa đại biểu Quốc hội với nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.
Từ những kết quả đạt được, năm 2015 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, góp phần thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trên tất cả các mặt như hoạt động lập pháp, giám sát, tiếp xúc cử tri và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Hoàng Thị Kim Vân |
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025