VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Giám sát tình hình thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 238 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Từ ngày 14/9 đến ngày 19/9/2016, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Nông Văn Thảm, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã giám sát về tình hình thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

   Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 bao gồm 10 tiêu chí, chứa đựng 46 chỉ tiêu cụ thể với mục tiêu củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực hoạt động của y tế xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã). Thực hiện Quyết định của Bộ Y tế số 3447/QĐ-BYT ngày 22/9/2011 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020 và Quyết định 4667/QĐ-BYT ngày 7/11/2014 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020, trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm, đẩy mạnh lộ trình xây dựng các xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế nhằm hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, góp phần giảm tải cho cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên, giảm bớt chi phí cho người bệnh.

   Theo Báo cáo của sở Y tế, thực hiện Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 10/10/2013 của UBND tỉnh thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (BTCQGYTX) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2013- 2020, tính đến tháng 6/2016, toàn tỉnh có 40/226 xã đạt BTCQGYTX giai đoạn đến 2020, đạt tỷ lệ 17,7%. Mạng lưới hệ thống y tế cơ sở được quan tâm củng cố, đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và đảm bảo an sinh xã hội. Hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được nâng cấp, xây dựng; thuốc và trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu của trạm y tế. Trình độ chuyên môn, các dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại trạm y tế dần được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng; bước đầu có sự phối hợp giữa khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và y học hiện đại trong quá trình khám chữa bệnh. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình được thực hiện cơ bản đạt theo quy định; việc thực hiện các tiêu chí chuẩn quốc gia y tế xã được lồng ghép với tiêu chí về y tế của chương trình xây dựng nông thôn mới, nên việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được thuận lợi…

Đoàn giám sát tại UBND xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng

   Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện BTCQGYTX nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân tại một số xã chưa đầy đủ, coi việc xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế là trách nhiệm của riêng ngành y tế và trạm y tế; chất lượng hoạt động của một số Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cấp xã chưa thật hiệu quả; một số trạm y tế chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; cơ sở hạ tầng trạm y tế xã phần lớn xuống cấp chưa được đầu tư xây dựng, nâng cấp nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của trạm y tế; trang thiết bị y tế thiếu về số lượng, không đồng bộ; công tác quản lý, bảo quản  thuốc chưa sát quy định do trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ phụ trách chưa đáp ứng yêu cầu, mặt khác còn do trạm y tế chưa được trang bị đầy đủ thiết bị bảo quản thuốc; số xã đạt BTCQGYTX của tỉnh giai đoạn 2013- 2015 chưa đạt chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch (chỉ tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh có 45 xã đạt BTCQGYTX)…

   Theo đánh giá của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh qua giám sát tình hình thực hiện BTCQGYTX, để thực hiện BTCQGYTX giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo lộ trình (theo Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 10/10/203 của UBND tỉnh hết năm 2020 toàn tỉnh có 116/226 xã đạt BTCQGYTX, chiếm tỷ lệ 51,3%), tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt nâng cao vai trò của Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân trong công tác hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân; bố trí ngân sách đảm bảo cho thực hiện BTCQGYTX theo quy định; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các trạm y tế xã, đồng thời quan tâm đầu tư đảm bảo số lượng, danh mục trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; thực hiện  tốt công tác phối hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *