VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Giải pháp giảm nghèo hiệu quả

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 227 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, gồm 11 huyện, thành phố, 226 xã phường, thị trấn. Các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung chủ yếu ở vùng cao, vùng sâu, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, đời sống các dân tộc còn nhiều thiếu thốn. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2012– 2015 với mục tiêu cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã biên giới, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở các vùng nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư đã được triển khai, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần đảm bảo ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của tỉnh. Trong đó, việc xây dựng, đưa các mô hình giảm nghèo đến các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh là một trong những giải pháp quan trọng tạo sinh kế cho người nghèo một cách có hiệu quả, góp phần thúc đẩy việc thực hiện thành công mục tiêu quốc gia giảm nghèo qua các giai đoạn. Kết quả thực hiện các chương trình giảm nghèo quốc gia, trong đó có các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2012, 2013 đã góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm đời sống người dân, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tích cực vào những kết quả chung về giảm nghèo của tỉnh.

Mô hình nuôi lợn nái sinh sản tại xã Tràng Phái, Văn Quan

    Theo kết quả điều tra đến hết năm 2013 toàn tỉnh có 33.215 hộ nghèo, chiếm 18%; 20.522 hộ cận nghèo chiếm 11,13%, số hộ nghèo tập trung chủ yếu tại khu vực nông thôn. Do vậy các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bước đầu đã được triển khai tại một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Lộc Bình, Cao Lộc, Đình Lập. Thực hiện Quyết định phê duyệt dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo của Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện nay có 6 dự án do sở Lao động- Thương binh và Xã hội làm Chủ đầu tư đã và đang được triển khai: dự án “Hỗ trợ chăn nuôi lợn nái sinh sản tại xã Tràng Phái, huyện Văn Quan”; dự án “Hỗ trợ nuôi bò sinh sản xã Minh Khai, huyện Bình Gia”; dự án trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu giai đoạn 2011- 2014 tại xã Vân An (huyện Chi Lăng) và xã Quan Bản (huyện Lộc Bình); dự án chăn nuôi gà thịt tại xã Cao Lâu (huyện Cao Lộc); dự án chăn nuôi lợn thịt tại xã Đình Lập (huyện Đình Lập).

    Triển khai các dự án trên, tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng dự án, triển khai thực hiện, chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức khảo sát, thẩm định các dự án nhằm đảm bảo tính khả thi; thành lập Ban quản lý dự án cấp huyện để lựa chọn xã thực hiện dự án; thành lập Ban điều hành dự án cấp xã, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện dự án có hiệu quả…Qua đó, các xã được lựa chọn thực hiện dự án đều đáp ứng các yêu cầu đảm bảo mục tiêu của dự án: có tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện tự nhiên, xã hội còn nhiều khó khăn; các hộ gia đình nghèo chủ yếu do thiếu lao động, thiếu vốn, thiếu đất và phương tiện sản xuất, thiếu nhân lực lao động, đông người ăn theo; trình độ thấp, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất; quỹ đất để triển khai dự án chủ yếu là đất đồi dốc, manh mún, không tập trung nên hạn chế trong canh tác, chăm sóc và thu hoạch…

    Theo báo cáo của ngành chức năng, năm 2012 có 140 hộ nghèo thuộc 4 huyện Chi Lăng, Lộc Bình, Văn Quan, Bình Gia tham gia các dự án mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí 1.482.450 .000 đồng, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ 1.000.000.000 đồng, hộ nghèo tham gia đóng góp 482.450.000  đồng. Năm 2013 có 50 hộ nghèo thuộc 02 huyện Cao Lộc, Đình Lập tham gia các dự án với tổng kinh phí 638.340.000 đồng, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ 500.000.000 đồng, hộ nghèo tham gia đóng góp 138.340.000 đồng. Trong 02 năm qua, hầu hết con giống, cây trồng thuộc dự án đang trong giai đoạn phát triển theo đúng quy trình quy định. Tại huyện Bình Gia có 20 hộ nghèo tham gia dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản (mỗi hộ được hỗ trợ 01 con bò sinh sản, trị giá 10.000.000 đồng/con, hỗ trợ mua giống cỏ, trồng cỏ và phân bón trị giá 2.200.000 đồng). Tại huyện Văn Quan có 35 hộ nghèo tham gia dự án hỗ trợ chăn nuôi lợn nái sinh sản (mỗi hộ được hỗ trợ 01 con giống sinh sản trị giá 2.700.000 đồng, hỗ trợ xây dựng chuồng trại 2.000.000 đồng…); tại các huyện Lộc Bình, Chi Lăng có 95 hộ nghèo tham gia dự án hỗ trợ trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu, trị giá trên 159.000.000 đồng, được hỗ trợ mua vật tư phân bón trị giá trên 270.000.000 đồng… Tại huyện Cao Lộc có 30 hộ nghèo tham gia dự án chăn nuôi gà thịt (mỗi hộ được hỗ trợ 50 con gà và thức ăn chăn nuôi trị giá gần 6.000.000 đồng, được hỗ trợ xây dựng 01 chuồng trại trị giá 2.000.000 đồng)… Tại huyện Đình Lập có 20 hộ nghèo tham gia dự án chăn nuôi lợn thịt (mỗi hộ được hỗ trợ về con giống trị giá 4.000.000 đồng, được hỗ trợ về thức ăn, thuốc thú y trị giá 5.700.000 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng chuồng trại 2.000.000 đồng)…Các dự án còn được hỗ trợ kinh phí mua vật tư cải tạo chuồng trại, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, chăn nuôi, phát triển sản xuất, kinh phí xây dựng, quản lý triển khai thực hiện dự án trị giá trên 11.000.000 đồng.

    Theo mục tiêu của dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản, sau 2 năm, từ 01 con bò giống có thể sinh sản được 01 con bê có giá trị khoảng 5.000.000 đồng; dự án hỗ trợ chăn nuôi lợn sinh sản, sau 01 năm mỗi lứa lợn sẽ sinh sản 06-08 con lợn giống, mỗi hộ tham gia dự án sẽ thu được 120- 150 kg lợn giống, đạt giá trị khoảng trên 14.000.000 đồng/hộ; dự án trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu mỗi hộ được hỗ trợ 6.000.000đồng sẽ thu được khoảng 8.000.000đồng- 9.000.000đồng/sào, sau 01 năm trồng sẽ không phải đầu tư giống mà lấy chính cây con của cây gốc ban đầu đem nhân ra, giảm chi phí đầu tư cho giống…Đối với dự án chăn nuôi gà thịt, sau 06 tháng đàn gà có thể được xuất chuồng, các hộ tham gia dự án tiếp tục nhân rộng mô hình góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Đối với dự án chăn nuôi lợn thịt, sau 06 tháng mỗi hộ sẽ thu được khoảng 380 kg lợn hơi (mỗi con trọng lượng bình quân đạt 70- 80 kg), trị giá khoảng trên 15.000.000 đồng/hộ. Lũy kế sau 02 năm thực hiện dự án sẽ có khoảng 30.000.000 đồng tiền lãi. Ngoài ra các hộ còn thu gom được phân bón để phục vụ cho việc trồng trọt…

    Quá trình thực hiện cho thấy đến nay các dự án đều được thực hiện đúng quy trình đề ra, giống cây trồng, vật nuôi cơ bản được cung cấp đầy đủ về số  lượng, chất lượng, đang trong giai đoạn phát triển tốt, bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực về kinh tế, xã hội và nhận thức. Các hộ nghèo tham gia dự án đều có ý thức vươn lên, biết xây dựng kế hoạch, biết tính toán, cân đối thu chi, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có tinh thần và ý thức trách nhiệm khi tham gia vào dự án. Các mô hình giảm nghèo cơ bản phù hợp với khả năng đầu tư của người dân và thích hợp với điều kiện của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo chủ động sản xuất, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống. Từ khi thực hiện dự án, hầu hết hộ nghèo từ chỗ thiếu vốn sản xuất, chưa có công ăn việc làm, hạn chế về trình độ kỹ thuật đã được hỗ trợ về kinh phí, khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi…Các  mô hình đã thu hút được sự tham gia tích cực của người dân, huy động thêm các nguồn lực tại chỗ, giúp cho người dân từng bước chuyển biến về nhận thức, chủ động cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức quản lý, kỹ năng tổ chức thực hiện dự án trong việc phát triển kinh tế hộ theo hướng sản xuất hàng hoá. Các hộ nghèo đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, bỏ vốn đầu tư, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp với điều kiện của hộ gia đình và địa phương, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa; từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu từ chăn nuôi tự túc, con giống địa phương, chưa áp dụng kỹ thuật khoa học sang chăn nuôi hàng hóa, có sự đầu tư về kỹ thuật, con giống tốt; từ …từ đó tăng nguồn thu, giúp hộ nghèo từng bước giảm bớt khó khăn, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Thông qua việc tham gia dự án, các hộ nghèo được củng cố, nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế xã hội nhằm xoá đói giảm nghèo bền vững. Kết quả bước đầu cho thấy tính đến tháng 3/2014, tại xã Tràng Phái (Văn Quan) sau 02 năm thực hiện dự án, số lợn giống sinh sản đã cho sản phẩm là 21 con (đẻ nhiều nhất 12 con/lứa), số sản phẩm tăng lên 131 con, lũy kế 212 con, các hộ nghèo từng bước đã có tích lũy để sản xuất, thu nhập bình quân đầu người trên 400.000đ/ tháng, số hộ nghèo giảm được 14 hộ; tại xã Minh Khai (Bình Gia) đàn bò phát triển tốt, đã sinh sản được 03 con bê; tại xã Vân An (Chi Lăng) chuối tiêu hồng phát triển tốt…

    Tuy nhiên, việc thực hiện các mô hình giảm nghèo cũng còn bộc lộ một số hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả của mô hình giảm nghèo: việc triển khai các dự án còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra; công tác phối hợp giữa Ban chỉ đạo cấp huyện, xã và các ngành chức năng chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; công tác hướng dẫn quy trình kỹ thuật, kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên; nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân tham gia dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cho việc đầu tư sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình; nguồn lực hỗ trợ mô hình hạn chế, định mức hỗ trợ thấp (5.000.000 đồng/hộ). Việc triển khai các mô hình chăn nuôi trong thời điểm dịch bệnh đang phát triển và thời tiết khắc nghiệt rét đậm, rét hại đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn lợn, bò sinh sản. Mô hình trồng chuối tiêu hồng tại các xã Vân An (Chi Lăng), xã Quan Bản (Lộc Bình) do rét đậm, rét hại và sương muối nên tỷ lệ sống không cao. Kết quả khảo sát tại thời điểm tháng 3/2014 tại xã Quan Bản (Lộc Bình), hầu hết cây chuối tiêu hồng có tỷ lệ sống thấp (khoảng 40-50%), một số cây bị héo lá, khả năng phát triển rất hạn chế…, nguyên nhân do chuối tiêu hồng là loại cây mới đưa vào trồng nên kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc của nhân dân còn hạn chế; một số hộ dân tham gia dự án chưa thực sự tích cực trong việc chăm sóc cây trồng, chưa chủ động che chắn bảo vệ cây khi có sương muối…; tại xã Tràng Phái (Văn Quan) đã có 10/35 con giống bị chết do dịch bệnh, 04 con giống không có khả năng sinh sản…

    Như vậy, để thực hiện mô hình đạt hiệu quả ngoài sự nỗ lực của mỗi hộ dân tham gia dự án, rất cần sự quan tâm vào cuộc và phối hợp của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành chức năng trong tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt việc lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn và xuất phát từ nhu cầu của người nghèo là yếu tố quyết định đến tính hiệu quả của dự án. Trong quá trình thực hiện mô hình cần khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân tại địa bàn để lựa chọn cây, con giống phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế của các hộ nghèo. Việc lựa chọn các hộ nghèo tham gia dự án cũng là một yếu tố quan trọng: các hộ tham gia dự án là các hộ nghèo, có lao động, có khả năng tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất hàng hóa, có các điều kiện phù hợp. Chất lượng cây, con giống, vật tư, phân bón, trang thiết bị, kỹ thuật chăm sóc…cũng là những yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện dự án. Quá trình xây dựng mô hình cần kiểm tra, giám sát thường xuyên, kịp thời giúp đỡ và giải quyết những vướng mắc của người dân. Để đạt mục tiêu hướng tới giảm nghèo bền vững, cần có quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và đối tượng tham gia dự án để mô hình được nhân rộng, góp phần vào việc giảm nghèo tại các địa phương được hưởng lợi dự án.

    Thời gian tới, để mô hình giảm nghèo tiếp tục đi vào cuộc sống, là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả, cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nhất là đối với các hộ nghèo thuộc vùng dự án; nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn nội dung mô hình, ưu tiên các mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người nghèo và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nhu cầu của thị trường; khuyến khích, huy động sự đóng góp trong dân và cộng đồng, lồng ghép với các chương trình dự án khác trên địa bàn để thêm nguồn lực thực hiện; tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo tham gia dự án…Từ đó nhân rộng các mô hình giảm nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh./.

                                                               Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *