VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 150 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp mới, Quốc hội khóa XIII đã thông qua nhiều luật, nghị quyết và quyết định nhiều nội dung quan trọng tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, khoa học công nghệ, môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Góp phần vào thành công chung nêu trên, có phần đóng góp không nhỏ của công tác dân nguyện.

    Tại tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian qua, hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Lạng Sơn từng bước được đổi mới và đi vào thực chất. Các lĩnh vực công tác của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh, trong đó có công tác dân nguyện đều có những cải tiến, thiết thực, gần dân, sát dân hơn. Luật Tiếp công dân, Nghị quyết 759/2014/UBTVQH13 ngày 15/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND các cấp đã tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh công tác tiếp công dân. Công tác tiếp công dân được tổ chức và duy trì thường xuyên, tạo điều kiện để công dân được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Công tác xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân cũng từng bước đổi mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, ngày càng đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

    Thực hiện đổi mới công tác dân nguyện, Đoàn ĐBQH tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn xác định trước hết cần đổi mới công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Bởi đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ, củng cố lòng tin của nhân dân đối với cơ quan dân cử, đồng thời thể hiện vai trò đại diện ý chí, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời…Qua đó, giúp cho Đảng và Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Mặc dù không có chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhưng việc đổi mới công tác tiếp dân và tiếp nhận, đôn đốc các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết của Đoàn ĐBQH tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh thực sự hiệu quả, tạo lòng tin trong nhân dân.

    Để tạo lòng tin cho công dân, Đoàn ĐBQH tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh phối hợp chủ trì thực hiện các phiên tiếp công dân với sự tham gia của đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, thành viên các Ban HĐND tỉnh và một số sở, ngành có trách nhiệm nắm bắt các vụ việc và quá trình giải quyết từng vụ việc. Mỗi công dân đến đều được trực tiếp trình bày, gửi đơn và các hồ sơ, tài liệu liên quan; được các thành viên trong buổi tiếp dân giải thích, hướng dẫn, tư vấn và kết luận về hướng xử lý vụ việc. Đối với những vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật thì giải thích cho người dân rõ và đề nghị chấp hành nghiêm túc. Sau các buổi tiếp công dân, Đoàn ĐBQH phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh ra thông báo kết luận buổi tiếp công dân, có hướng xử lý, giải quyết đối với từng công dân và vụ việc cụ thể, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Tại các buổi tiếp công dân định kỳ, công dân được trao đổi thẳng thắn những khúc mắc; được hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, đồng thời đơn thư của công dân được tiếp nhận để chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Thông qua hoạt động này, nhiều công dân đã có thêm hiểu biết về pháp luật, xác định rõ hơn quy trình, thủ tục trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình, đồng thời cũng xác định đúng địa chỉ để gửi đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; xác định rõ nội dung mình cần khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, tránh lòng vòng và đi lại nhiều lần do không đúng nội dung kiến nghị, không đúng thẩm quyền cơ quan giải quyết hoặc thiếu căn cứ.

    Thông qua các buổi tiếp công dân, các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh còn tiến hành giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, từ đó góp phần nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật cho người dân. Đồng thời tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của công dân góp ý xây dựng về những vấn đề có liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của các cơ quan dân cử, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Từ đó phát hiện các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, những vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách và các thông tin khác có liên quan đến hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh…Ngoài các buổi tiếp công dân định kỳ, các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh còn được bố trí tiếp công dân tại nơi làm việc, hoặc tham gia tiếp công dân tại các buổi tiếp công dân định kỳ hàng tháng của UBND tỉnh. Từ đó tăng cường mối quan hệ, nâng cao trách nhiệm của cơ quan dân cử trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

    Sau khi nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Đoàn ĐBQH tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu nội dung, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đồng thời theo dõi, giám sát, đôn đốc cơ quan chức năng kịp thời giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong năm 2014, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp 259 lượt công dân; nhận 344 đơn, thư khiếu nại, tố cáo; chuyển 213 đơn đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; nhận được 58 văn bản phúc đáp của các cơ quan có thẩm quyền.

    Cùng với hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh còn thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong việc đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư của công dân. Năm 2014, trên cơ sở đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Thường trực HĐND tỉnh đã lựa chọn tiến hành giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại của công dân liên quan đến dự án Khu xử lý nước thải và dự án Phân xưởng sàng tuyển Công ty Than Na Dương, huyện Lộc Bình. Sau giám sát, Đoàn đã báo cáo kết quả, kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại của công dân. Qua đó, việc khảo sát thực tế, giám sát, trao đổi giữa đại diện công dân khiếu nại, tố cáo và các cơ quan chức năng có liên quan đã thực sự đem lại những hiệu quả thiết thực, tháo gỡ cho các cơ quan chức năng và công dân những khó khăn, vướng mắc. Tuy chưa đáp ứng yêu cầu của công dân khiếu kiện, nhưng phần lớn các vụ việc tồn đọng kéo dài cơ bản đã được gợi mở, tháo nút thắt. Đối với những đơn thư của công dân đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo, Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cũng giải thích đầy đủ, hướng dẫn, nếu công dân không đồng tình thì công dân có quyền khởi kiện ra tòa án…

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân nguyện vẫn còn một số hạn chế: số lượng đơn thư nhiều nhưng chủ yếu mới chỉ thực hiện việc chuyển đơn còn việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vẫn còn nhiều bất cập, kết quả giải quyết chưa được kiểm tra, theo dõi đầy đủ; việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn thiếu cụ thể nên trả lời cử tri chưa được như mong muốn dẫn đến tình trạng kiến nghị hoặc khiếu nại, khiếu kiện nhiều lần. Công tác tiếp công dân đôi khi còn hình thức, chưa phát huy được hiệu quả, chưa thực sự lắng nghe, nắm bắt được nguyện vọng, mong muốn của cử tri. Công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân còn hạn chế. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cho thấy vẫn còn một số vụ việc do cơ quan có thẩm quyền giải quyết chưa kịp thời dẫn đến tình trạng công dân bức xúc do phải chờ đợi hoặc đi lại nhiều lần.

    Trước thực trạng trên, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện, trước hết cần nâng cao nhận thức công tác dân nguyện là của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử có vai trò hết sức quan trọng. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân nguyện do vậy cần tiếp tục bám sát, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội. Các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Tiếp công dân, Nghị quyết 759… cần được nghiên cứu, bám sát và triển khai đồng bộ và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo do Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến và quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

    Bên cạnh đó cần tăng cường hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó làm rõ hơn về đối tượng, phạm vi giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; trình tự, thủ tục và cách thức tiến hành hoạt động giám sát. Mặt khác cần bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, năng lực cho cán bộ làm công tác dân nguyện. Ngoài nghiệp vụ chuyên môn, cán bộ tiếp dân phải là những người có bản lĩnh, trung thực, có tinh thần trách nhiệm cao; có khả năng giao tiếp, phương pháp vận động, thuyết phục quần chúng, kiên nhẫn, lắng nghe ý kiến của công dân, giải thích cho công dân hiểu rõ về pháp luật.

    Về phía các cấp, các ngành, cơ quan và đặc biệt là người đứng đầu cần tăng nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Các cơ quan chức năng cần tăng cường đối thoại dân chủ, công khai, minh bạch, kết hợp với giải thích, vận động, thuyết phục gắn với kỷ cương pháp luật. Về phía Đoàn ĐBQH tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư của công dân theo hướng tăng cường khảo sát, giám sát việc giải quyết đơn thư ở các cấp, các ngành; tiếp tục phối hợp chặt chẽ việc tiếp công dân với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan liên quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt hơn chức năng, hoạt động này của cơ quan dân cử.

    Đặc biệt, theo quy định của Luật Tiếp công dân, lần đầu tiên trong mô hình tổ chức tiếp công dân ở nước ta thành lập Ban Tiếp công dân tại các Trụ sở tiếp công dân các cấp, với mục đích giúp các hoạt động tiếp công dân tại các Trụ sở tiếp công dân ngày càng được tổ chức một cách quy củ, hiệu quả hơn. Thực hiện quy định trên, Ban Tiếp công dân tỉnh Lạng Sơn đã được thành lập, là đơn vị trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh (ngày 25/12/2014, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Ban Tiếp công dân tỉnh). Như vậy, việc thành lập Ban Tiếp công dân tỉnh với chức năng, nhệm vụ, quyền hạn theo quy định sẽ tạo điều kiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác tiếp công dân, góp phần vào quá trình xây dựng và kiện toàn chính quyền gần dân, sát dân, vì dân, tạo thuận lợi cho công dân trong tỉnh thực hiện quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

    Năm 2015 là năm cuối của kế hoạch kinh tế- xã hội 2011- 2015, là năm diễn ra Đại hội các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng; cũng là năm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp mới. Trong bối cảnh tình hình kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh trật tự còn có những diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống của nhân dân, hoạt động của Đoàn ĐBQH, Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn, trong đó có công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và cử tri trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của cơ quan dân cử nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung.

                                                              Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *