VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tổ về dự án Luật thống kê (sửa đổi) và Luật tố tụng hành chính (sửa đổi)

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 155 lượt xem Chia sẻ bài viết:

 Chiều ngày 04/6/2015 Tổ đại biểu Quốc hội 18 trong đó có Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án Luật thống kê (sửa đổi) và Luật tố tụng hành chính (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Thế Tuy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận.

    Luật tố tụng hành chính thông qua năm 2010 nhưng qua thực hiện đã bộc lộ rất nhiều bất cập; đồng thời phải sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp 2013 và lộ trình cải cách tư pháp do đó cần phải sửa toàn diện như dự thảo.

Các đại biểu trong tổ đồng tình với việc sửa đổi thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện theo hướng khiếu kiện đối với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp tỉnh để đảm bảo tinh hiệu quả, khả thi và khách quan trong thực tế. Đồng tình việc uỷ quyền cho người đại diện, các đại biểu dẫn ví dụ Chủ tịch UBND cấp huyện ra một quyết định liên quan đến nhiều cá nhân và có nhiều người khởi kiện ở nhiều phiên toà thì ông chủ tịch UBND không thể tham gia hết được các phiên toà trong một thời gian ngắn.

Đồng chí Nguyễn Thế Tuy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận tổ

    Có đại biểu Quốc hội đồng tình với dự thảo quy định phiên họp để giao nộp chứng cứ như một phiên trù bị cho phiên toà chính thức được hiệu quả và cũng phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh, Phó Trưởng Đòan ĐBQH không đồng tình với quan điểm này bởi lẽ khi mở phiên toà đã phải tuân thủ cả một quy trình chặt chẽ theo quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Một số đại biểu ủng hộ quan điểm này cho rằng việc mở phiên họp trù bị đã xuất hiện sự tranh tụng và do đó dễ dẫn đến án bỏ túi, mất thời gian không khả thi và không hiệu quả. Đại biểu đồng tình cao với việc bổ sung chương XX về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính, đây là chương mới gồm 8 điều, hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp 2013 và lộ trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh đề nghị trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt nên giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định sẽ khách quan, phù hợp hơn.

    Về tham gia phiên toà của Viện Kiểm sát các đại biểu đề nghị đại diện viện kiểm sát tham gia tất cả các phiên toà từ sơ thẩm đến phúc thẩm vì tố tụng hành chính khác với tố tụng dân sự.

    Đồi với dự án Luật thống kê (sửa đổi) đại biểu đề nghị rà soát lại toàn bộ kỹ thuật soạn thảo tuân thủ chặt chẽ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật . Về nội dung của luật cần quy định phương pháp thống kê chuẩn xác và quy định trách nhiệm của người làm công tác thống kê và người cung cấp số liệu thống kê đối với số liệu thống kê đưa ra và xử lý số liệu đảm bảo chính xác, khách quan. Các đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào danh mục thống kê, thanh tra thống kê, chỉ tiêu thống kê, những điều cấm trong luật.

Nguyễn Đặng Ân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *