VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 100 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Thực hiện nội dung, chương trình làm việc của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tám, ngày 29 tháng 10 năm 2014, Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ mười. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận tại tổ về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).

    Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng quy định tại khoản 11, Điều 8: “Việc quyết định đầu tư chương trình, dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng; bảo đảm cân đối đủ vốn trước khi quyết định đầu tư; bảo đảm đầu tư tiết kiệm, hiệu quả; trường hợp chương trình, dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách cấp trên thì trước khi quyết định đầu tư, phải có thỏa thuận bằng văn bản của cấp có thẩm quyền về mức vốn hỗ trợ” nhằm hạn chế cơ chế xin-cho hoặc tình trạng địa phương có quyết định đầu tư sau đó mới đề nghị cấp trên phê duyệt, cấp vốn. Thực tế vừa qua cho thấy có tình trạng các địa phương khi trình đầu tư dự án thì có cả vốn Trung ương và vốn địa phương; địa phương quyết định đầu tư sau đó mới xin cấp, chờ vốn đầu tư từ Trung ương, trong khi vốn địa phương không có, vì vậy có rất nhiều công trình đang thi công dở dang thì phải dừng để chờ nguồn vốn Trung ương. Do đó đại biểu đề nghị cần tăng cường quản lý từ cấp trên, địa phương phải có văn bản đảm bảo thỏa thuận ngân sách từ phía Trung ương, đồng thời phải có văn bản xác nhận nguồn đóng góp của địa phương đối với các dự án, công trình đó, cụ thể đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 11: “Phải có văn bản xác nhận nguồn đóng góp của địa phương đối với các công trình có cả ngân sách của Trung ương và địa phương”.

    Tại Điều 15 quy định việc công khai và giám sát ngân sách nhà nước tại cộng đồng, đại biểu yêu cầu cần làm rõ khái niệm “cộng đồng”; đề nghị công khai ngân sách nhà nước Trung ương, tỉnh, huyện, xã và tùy thuộc vào nhu cầu từng cấp để phân bổ ngân sách cho phù hợp, có quy định cụ thể nội dung thông tin phù hợp nhu cầu và các vấn đề mang tính nguyên tắc cần được thể hiện rõ. Tại Điều 39 đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “vùng sâu, vùng xa” vì khái niệm “vùng khó khăn” đã bao hàm đủ ý nghĩa.

                                                                Đàm Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *