VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 101 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Ngày 27/5/2013 Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Sơn La, Kon Tum, Thừa Thiên – Huế.

        Phát biểu thảo luận, các ĐBQH trong tổ đều thống nhất cho rằng việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thể hiện dân chủ và đạt kết quả tốt, nhiều ý kiến có chất lượng, việc tổng hợp của Ban soạn thảo đầy đủ, khoa học. Đa số các ý kiến tán thành các nội dung sửa đổi, lấy ý kiến. Về Lời nói đầu các đại biểu cho rằng cần gọn lại và thể hiện một cách khoa học về các mốc lịch sử. Về tên nước nên giữ nguyên như hiện nay và cần thiết quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước tại Điều 4 của Dự thảo. Các vấn đề cơ bản trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được các đại biểu thảo luận sôi nổi và thống nhất cao như cần thiết phải quy định Hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh, huyện, xã; về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tất yếu và kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo; về Hội đồng Bầu cử quốc gia chưa thực sự cần thiết vì Hội đồng này chỉ làm việc 5 năm một lần nên giữ nguyên quy định như hiện nay thì sẽ hợp lý hơn.

Đại biểu Nguyễn Thế Tuy phát biểu thảo luận

         Về tổ chức Công đoàn, đại biểu Nguyễn Thế Tuy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng nên giữ như Hiến pháp năm 1992, không cần thiết kế lại như Dự thảo.Về kinh tế cần chú ý đến kinh tế địa phương và chú ý đầu tư nguồn lực trở lại hợp lý cho địa phương. Về việc thu hồi đất đai là cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tuy nhiên việc thu hồi phải thật minh bạch, có đền bù xứng đáng cho người bị thu hồi thể chế hóa bằng chính sách cụ thể và chú ý đến điều kiện sống và phong tục tập quán của từng vùng.

         Tiếp cận ở góc độ khác đại biểu Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng bản Hiến pháp là bộ luật gốc rất quan trọng nên việc sửa đổi phải đảm bảo khoa học,chính xác, và ổn định lâu dài, tránh việc phải sửa đổi nhiều lần; nâng cao kỹ thuật lập pháp, đảm bảo bố cục, câu từ, khái niệm thuận lợi cho việc áp dụng, thi hành về sau. Đại biểu Vũ Huy Hoàng cũng đồng tình giữ nguyên tên nước là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như hiện nay là hợp lý vì bản chất chế độ ta là chủ nghĩa xã hội trong khi thực tế hiện nay một số nước trên thế giới tên nước không phản ánh bản chất chế độ nhưng vẫn không đổi tên do đó ta không có lý do gì phải đổi tên nước, đại biểu nhấn mạnh. Đại biểu Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội nên cần thiết phải được quy định cụ thể như Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

         Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị quy định việc chia tách, sáp nhập địa giới hành chính từ cấp huyện trở lên phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội, vì việc chia tách, sáp nhập có ý nghĩa quan trọng và không diễn ra thường xuyên trong khi mỗi năm Quốc hội họp 2 kỳ do đó hoàn toàn hợp lý khi Quốc hội quyết định, ông Nguyễn Lâm Thành phân tích. Về công tác dân tộc trong Hiến pháp nhất thiết phải quy định chính sách dân tộc thay vì chỉ quy định công tác dân tộc như dự thảo, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng góp nhiều ý kiến về kỹ thuật lập pháp như viết lại một số đoạn cho gon, xúc tích, chính xác. Quy định thêm một số hành vi bị nghiêm cấm về công tác dân tộc. Theo chương trình Quốc hội sẽ dành hai ngày 03, 04/6/2013 để thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Nguyễn Đặng Ân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *