Ngày 7/6/2013, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII họp phiên toàn thể tại Hội trường để thảo luận về “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006- 2012”. Phiên họp nhằm đánh giá việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, công tác tổ chức thực hiện nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006- 2012, việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006- 2012, nguyên nhân của những mặt tồn tại hạn chế, trên cơ sở đó có các kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương trên cả nước.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nông Thị Lâm, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tán thành Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006- 2012.
Theo đại biểu, trong thời gian qua, việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư xây dựng các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ được tổ chức triển khai thực hiện cơ bản đúng quy định, bảo đảm mục tiêu đề ra. Các dự án thuỷ lợi và an toàn hồ chứa được hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, đáp ứng kịp thời chủ trương xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân vùng hạ lưu, chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các dự án y tế đã phát huy được hiệu quả, đáp ứng một phần nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, tạo điều kiện triển khai các kỹ thuật mới nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân tại các tuyến, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Việc thực hiện Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học đã tăng cường cơ sở vật chất cho ngành giáo dục và đào tạo, nhất là các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, góp phần quan trọng vào việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Các dự án giao thông đã nâng cao năng lực vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân…Nhìn chung các công trình, dự án được thụ hưởng vốn trái phiếu Chính phủ đã góp phần vào các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế: kế hoạch thông báo vốn của Trung ương về nguồn trái phiếu Chính phủ hàng năm còn chậm, kế hoạch vốn hàng năm được giao thấp so với nhu cầu (thường đạt 50- 60%) nên việc bố trí vốn cho việc thực hiện các công trình xây dựng chưa được chủ động, dẫn đến tình trạng: một số công trình đã có khối lượng thực hiện nhưng lại thiếu vốn thanh toán, nhiều dự án công trình dở dang, kéo dài, không bảo đảm tiến độ nên chậm đưa vào khai thác, sử dụng. Cơ chế phân bổ vốn Trái phiếu chính phủ chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể, dẫn tới việc điều hành, quản lý nguồn vốn chưa đạt hiệu quả. Việc phân bổ, giao kế hoạch chưa sát với thực tế, chưa căn cứ vào kết quả thực hiện năm trước, chưa có thứ tự ưu tiên theo quy định; công tác lập, thẩm định, phê duyệt; tổ chức khảo sát, thiết kế ở một số công trình thiếu chính xác, chưa sát thực tế phải điều chỉnh mục tiêu, phương án thi công, thiết kế một số hạng mục công trình; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán ở hầu hết các các công trình, dự án chưa xác định được các yếu tố phát sinh về giá cả vật liệu, biến động về chế độ chính sách về tiền công, tiền lương…dẫn đến tăng tổng mức đầu tư ở nhiều công trình dự án. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở một số dự án gặp vướng mắc, tiến độ thực hiện chậm, việc áp giá đền bù không sát với giá thị trường gây chênh lệch lớn, phát sinh khiếu kiện, nhiều dự án phải bổ sung vốn để bồi thường giải phóng mặt bằng, gây rất nhiều khó khăn cho công tác triển khai thực hiện…
Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị cần việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đảm bảo đồng bộ, minh bạch, có tính khả thi cao, phù hợp thực tiễn để triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản. Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí “về chống lãng phí trong đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách nhà nước…”; ban hành Luật Đầu tư công để quy định cụ thể về chế độ trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư, trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư, trong đó có vốn trái phiếu Chính phủ; sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước quy định đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch, trước mắt cần rà soát, bổ sung nguồn vốn để thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản cho các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn; đối với những công trình hoặc hạng mục công trình đã cơ bản hoàn thành đề nghị tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng; tiếp tục đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình, dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục cho các tỉnh miền núi biên giới đang triển khai thực hiện, đặc biệt là tập trung đầu tư vào các tuyến đường giao thông đến trung tâm xã, các bệnh viện tuyến huyện, phòng học, nhà công vụ giáo viên, thủy lợi nhỏ, đường tuần tra biên giới…theo đúng mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các chương trình trái phiếu Chính phủ theo thẩm quyền về quản lý, nhất là việc rà soát giãn, hoãn các công trình theo các nguyên tắc và tiêu chí đã được quyết định, tránh xảy ra sai sót, lãng phí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ./.
Hoàng Thị Kim Vân
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Quyết định Ban hành Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới của Đảng bộ Hội đồng nhân dân tỉnh
Kỳ họp thứ ba mươi lăm HĐND tỉnh
Báo cáo số 1518/BC-HĐND06/12/2024 của Thường trực HĐND tỉnh về tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ ba mươi mốt (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026
Báo cáo số 1538/BC-ĐGS-KTNS ngày 12/12/2024 của Ban KT-NS HĐND tỉnh Giám sát về tình hình, kết quả thực hiện Hợp phần 3 thuộc Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn -Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn
Báo cáo số 1523/BC-ĐGS ngày 06/12/2024 của Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kết quả giám sát tình hình và kết quả thực hiện Đề án Phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, giai đoạn 2022 -2025
Báo cáo số 758/BC-ĐGS ngày 10/07/2024 của Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát tình hình, hiệu quả thực hiện các đề tài/dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh được công nhận năm 2020,2021,2022; kết quả ứng dụng trong thực tế hiện nay
Kế hoạch số 1611/KH-HĐND ngày 26/12/2024 của Ban KT-NS HĐND tỉnh thực hiện chương trình giám sát của Thường trực HĐND tinh năm 2025 Báo cáo Kết quả giám sát tình hình, hiệu quả thực hiện các đề tài/dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh được công nhận năm 2020,2021,2022; kết quả ứng dụng trong thực tế hiện nay
Kế hoạch số 959/KH-ĐGS-KTNS ngày 04/09/2024 của Ban KT-NS HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn