VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thảo luận tại tổ về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và dự án Luật bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 113 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục chương trình kỳ họp, buổi chiều ngày 5/11/2014, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thảo luận tại tổ về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Tham gia thảo luận dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) các vị đại biểu Quốc hội tập trung góp ý vào hai nội dung: hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

    Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Chương V của dự thảo Luật, so với luật hiện hành đã được mở rộng hơn về  phạm vi giám sát, đối tượng giám sát nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.

    Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng mặc dù tại Điều 26 của dự thảo Luật khẳng định “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước…” nhưng đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 27 và Điều 28) không có nhiều điểm khác so với giám sát của cơ quan dân cử và cũng chưa thể hiện sự “hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước”.

    Một số ý kiến đề nghị dự thảo luật cần phân định rõ giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực nhà nước để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện; mối quan hệ giữa giám sát của Mặt trận với các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Về hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định tại Chương VI, các ý kiến cho rằng việc thể chế hóa chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ  Việt Nam trong dự thảo Luật là cần thiết. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp đều ghi nhận nhiệm vụ phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhấn mạnh phản biện xã hội của MTTQ nhất thiết phải mang tính nhân dân, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật phải đưa ra mục đích, nội dung và đối tượng phản biện trong thiết kế Chương VI.

    Đại biểu Nông Thị Lâm, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 15 về việc Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân là chưa chuẩn xác, do vậy đề nghị bỏ  “Ủy ban nhân dân”, đồng thời bổ sung vào cuối khoản này cụm từ: “báo cáo lên MTTQ cấp trên”; đề nghị Chính phủ quy định chi tiết việc MTTQ tham gia hoạt động tố tụng (Điều 18); quy định các nội dung, đối tượng, hình thức giám sát cụ thể của MTTQ…

    Về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Luật cần quy định cụ thể tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; về cơ cấu đại biểu nữ, đại biểu dân tộc thiểu số cần giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội đồng Dân tộc phối hợp chỉ đạo làm việc với địa phương; bổ sung khái niệm “đơn vị bầu cử” tại khoản 1 Điều 9…Đại biểu Nông Thị Lâm đề nghị quy định cụ thể trong Luật tỷ lệ đại biểu, tỷ lệ đại biểu nữ dân tộc thiểu số, nếu không quy định trong Luật thì phải có hướng dẫn. Về hình thức tiếp xúc cử tri đề nghị  quy định MTTQ có vai trò đầu mối nhằm hỗ trợ đại biểu xây dựng, báo cáo chương trình hành động trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đại biểu cũng đề nghị không quy định cứng về thời gian bỏ phiếu mà nên linh hoạt, mở rộng hơn, đối với vùng sâu, vùng xa có thể quy định nếu 100% cử tri trong danh sách đã thực hiện quyền bầu cử thì được kết thúc cuộc bỏ phiếu

                            Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *