VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thảo luận ở Tổ

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 149 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Ngày 22/5/2015 Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh xây dựng luật, pháp lệnh khoá XIII và năm 2015; thảo luận về Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tổ 18 gồm ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Hà Nam, Điện Biên và Sóc Trăng.

    Đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng tình việc sửa đổi Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mặc dù ngày 01/01/2016 Luật này mới có hiệu lực thi hành.
Đại biểu  Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch  Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng qua thực tế điều luật này đã nảy sinh một số vấn đề là đa số công nhân lao động trẻ là lao động thời vụ nên chưa tính đến thời điểm nghỉ hưu mà chỉ lo quyền lợi trước mắt, bên cạnh đó người lao động cũng chịu áp lực lớn về nhà ở, con cái học hành… Do nguyện vọng thực tế của người lao động muốn được trả bảo hiểm xã hội một lần để trang trải khó khăn trước mắt nên tỷ lệ trả bảo hiểm xã hội một lần là rất lớn nên đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần phải có lộ trình phù hợp. Đại biểu cũng đồng tình với đề xuất của Chính phủ là tuỳ theo nguyện vọng của người lao động để có thể lựa chọn hình thức nhận tiền bảo hiểm phù hợp.
Các đại biểu cũng cho rằng việc Quốc hội   thông qua  Luật bảo hiểm xã hội  chưa chu đáo khi không nghiên cứu kỹ đánh giá tác động của luật đối với những đối tượng chịu sự tác động của luật; cần rút kinh nghiệm nghiêm túc và cho cả các dự án luật khác theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu chưa chuẩn bị thấu đáo thì có thể lui lại đến kỳ họp thứ mười mới thông qua.

    Trong quá trình xây dựng luật cũng chưa thực hiện nghiêm túc công tác lấy ý kiến nhân dân và ý kiến của những người chịu sự tác động nên vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Việc nắm tâm tư người lao động và công tác tuyên truyền cho người lao động chưa tốt, dẫn đến sự việc phản ứng của công nhân thời gian qua và Chính phủ đã phải vào cuộc giải thích, tuyên truyền. Tuy nhiên các ĐBQH  cho rằng việc thông qua điều luật này cũng cần cân nhắc xem xét một cách thấu đáo vừa đảm bảo yêu cầu của người lao động vừa đảm bảo Quỹ bảo hiểm xã hội.
Về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khoá XIII và năm 2015 đa số các ý kiến đề nghị nên để các luật phức tạp thông qua trong một nhiệm kỳ, tránh để 2 nhiệm kỳ vì kỳ đầu các đại biểu Quốc hội mới được bầu lần đầu chưa có kinh nghiệm công tác lập pháp. Các đại biểu cho rằng chất lượng công tác xây dựng luật chưa đạt như yêu cầu đề ra dẫn đến tuổi thọ của các luật không cao vừa mới xây dựng đã đề nghị sửa đổi, bổ sung, cá biệt có luật chưa thông qua đã đề nghị sửa đổi.
Đại biểu Quốc hội Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương đồng tình lộ trình thông qua Luật quản lý ngoại thương và Pháp lệnh quản lý thị trường vì công tác quản lý thị trường hiện nay đã thay đổi rất lớn so với trước kia nhưng vẫn điều chỉnh bằng Nghị định của Chính phủ và đề nghị cần có hướng nâng lên thành Luật quản lý thị trường. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu có kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật các cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; các cơ quan thương vụ độc lập như trước kia để đảm bảo hoạt động được chủ động, nhạy bén kịp thời phù hợp với hoạt động thương mại.

    Về luật hoạt động giám sát của quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh cho rằng luật này cần rà soát cho phù hợp với ác luật khác như Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Việc quy định hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thiếu tính khả thi vì tư cách pháp nhân chưa rõ ràng và thiếu quy định về cơ quan giúp việc cho tổ đại biểu. Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trong hoạt động giám sát với cả ba cấp chứ không nên quy định chung chung như dự thảo. Quy định đại biểu xây dựng chương trình giám sát 6 tháng và hàng tháng là rất khó thực hiện nhất là đối với các đại biểu kiêm nhiệm. Nhiều nội dung của luật còn chung chung, mang tính hô hào kêu gọi mà chưa thành các chế tài để đảm bảo luật có hiệu lực khi đi vào thực hiện, đặc biệt là đối với những cơ quan chịu sự giám sát khi thực hiện các kết luận, kiến nghị của Đoàn giám sát.

Nguyễn Đặng Ân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *