VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về dự án luật Xây dựng (sửa đổi), dự án luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 137 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, buổi chiều, ngày 11/11/2013, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thảo luận tại tổ cùng đại biểu Quốc hội các tỉnh: Quảng Trị, Thái Nguyên, Gia Lai về dự án luật Xây dựng (sửa đổi), dự án luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Phiên thảo luận có 12 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó có 9/12 ý kiến tham gia vào dự án luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tập trung vào trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là trách nhiệm của cơ quan, của cá nhân liên quan đến công tác thẩm tra, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, trách nhiệm của cơ quan quản lý, kiểm tra thực hiện; về bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu; về cơ chế hỗ trợ người dân khi bị tác động bởi ô nhiễm môi trường; về quỹ bảo vệ môi trường…

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ

   Tham gia vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thế Tuy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng hiện nay ở các địa phương có tình trạng các nguồn nước ao hồ, kênh rạch bị san lấp để xây dựng các công trình dân sự làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng dân cư, do vậy Luật cần đề cập việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ các nguồn nước này, đồng thời nghiên cứu có chế tài xử lý đối với việc san lấp các nguồn nước để bảo vệ môi trường sống trong lành cho cộng đồng. Đại biểu Nông Thị Lâm đề nghị cần làm rõ quyền hạn và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường; quy định rõ quyền của các tổ chức trong việc tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; nghĩa vụ của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; quy định rõ về “cộng đồng dân cư”… để Luật đi vào cuộc sống đạt hiệu quả.

   Phát biểu tại tổ thảo luận về dự thảo luật Xây dựng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng quy hoạch nông thôn hiện nay còn nhiều bất cập do chưa xây dựng được các tiêu chí phù hợp, do vậy Luật cần nghiên cứu bổ sung 01 Điều quy định những vấn đề chung nhằm đảm bảo những điều kiện phù hợp về không gian, sinh hoạt, phong tục tập quán của người dân…Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét đưa vào Luật vấn đề quy hoạch kiến trúc, trong đó có định hướng, quy định cụ thể về phong cách kiến trúc trong xây dựng tạo nên nét kiến trúc đặc thù, ổn định của Việt Nam, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh quy định nâng định mức tối thiểu đối với diện tích nhà ở phù hợp (hiện nay định mức là 25m2) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam trong thời gian tới…

   Theo chương trình kỳ họp, ngày 25/11/2013,  Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án luật Xây dựng (sửa đổi), dự án luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

 

 Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *