VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật trên địa bàn tỉnh

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 106 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Thực hiện Nghị quyết số 821/NQ-UBTVQH13 ngày 17/10/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức giám sát đối với các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, Hải quan, Chi cục Kiểm lâm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Viện Kiểm sát, Tòa án, Công an thành phố Lạng Sơn về“Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trần Thị Hoa Sinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi giám sát

    Kết quả giám sát cho thấy từ ngày 01/10/2011đến 30/9/2014, việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đảm bảo đúng quy định của pháp luật về phạm vi và thẩm quyền, chưa phát hiện trường hợp oan sai, chưa phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng, chưa phát hiện tình trạng bức cung, nhục hình và tiêu cực trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm được chú trọng, kiềm chế sự gia tăng tội phạm, kịp thời làm rõ các vụ án hình sự trên địa bàn, cơ bản giải quyết các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Trong 03 năm qua, cơ quan điều tra đã xử lý 2.064/2.167 tin báo, tố giác về tội phạm, đạt trên 95%, khởi tố, điều tra 2.649 vụ án-4959 bị can, bắt, tạm giữ hình sự 3113 người, tạm giam 3517 người. Công tác xét xử của Tòa án đảm bảo đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị sửa, bị hủy, số án có bị cáo kháng cáo, số án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy để điều tra, xét xử lại chiếm tỷ lệ thấp, năm sau giảm hơn năm trước. Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 2738 vụ, 5276 bị cáo (cả sơ thẩm, phúc thẩm), giải quyết 2780 vụ, 5267 bị cáo, đạt 99,9 %. Có 01 trường hợp Tòa án tuyên phạm tội khác với tội danh bị Viện Kiểm sát truy tố, thể hiện tính độc lập trong xét xử của Tòa án, từ đó hạn chế tình trạng oan sai trong việc áp dụng pháp luật. Thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động của cơ quan tư pháp, Viện Kiểm sát đã phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận, xử lý tố giác tin báo tội phạm (số tin báo quá hạn luật định: 40 tin), chậm ra quyết định phân công điều tra viên giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và gửi chậm các quyết định phân công cho kiểm sát viên; trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung: 17 vụ- 82 bị can; hủy quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan điều tra: 62 vụ- 81 bị can; ban hành kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục những thiếu sót, vi phạm trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm…

    Đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ, công chức lực lượng hải quan, kiểm lâm cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; không có tình trạng cán bộ vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự; không có việc tranh chấp về thẩm quyền điều tra giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra với Cơ quan điều tra.

    Đoàn giám sát kiến nghị trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các cơ quan tố tụng tiếp tục quán triệt sâu sắc Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố tụng đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đầy đủ của vụ án hình sự. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự để kịp thời phát hiện và xử lý những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động tố tụng, đồng thời tăng cường công tác phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

                                                                        Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *