Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 06/11/2024, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu. Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận. Tại phiên thảo luận đã có 49 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến: Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) các đại biểu nhất trí với việc cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tạo chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công. Tuy nhiên, việc làm này phải nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khả năng, điều kiện thực hiện và đảm bảo tính giám sát, kiểm soát quyền lực; đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các luật thuộc dự án Luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh…
Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu. Đại biểu Quốc hội tỉnh Lưu Bá Mạc đồng thuận cao với việc ban hành Luật, đại biểu cho rằng ban hành luật là thực sự cần thiết, góp phần tháo gỡ, những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn, không chỉ cho các doanh nghiệp, mà còn cho các cơ quan, địa phương có dự án liên quan từ đó góp phần phát huy hiệu quả của phương thức đối tác công tư; giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hoạt động đấu thầu.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật PPP cụ thể: Tại điểm b, khoản 16 của Dự thảo luật, để sửa đổi điểm d, khoản 1 Điều 69 Luật PPP hiện hành, đã có mục đích sử dụng vốn nhà nước để “Chi trả phần giảm doanh thu” trong dự án PPP, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi, bổ sung thành “Chi trả phần giảm doanh thu, bao gồm các dự án đã đưa vào khai thác, do điều kiện và hoàn cảnh khách quan, cần bổ sung vốn nhà nước để đảm bảo hiệu quả phương án tài chính”. Đồng thời, cân nhắc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 69 Luật PPP hiện hành theo hướng, giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP. Trong đó, quy định cụ thể về điều kiện áp dụng, điều kiện được hỗ trợ cũng như trách nhiệm của các bên liên quan; cân nhắc thêm sự phù hợp của cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu như quy định tại Điều 82 Luật PPP hiện hành đối với trường hợp, các dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP hiện hành có hiệu lực vì hiện nay, ở một số địa phương, có những dự án BOT, được ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP hiện hành có hiệu lực, đã triển khai thực hiện, đã đưa vào khai thác và sau đó phát sinh vướng mắc, khó khăn, dẫn tới việc, doanh thu sụt giảm không mong muốn, phương án tài chính bị thay đổi, thời gian thực hiện phải kéo dài. Việc sụt giảm doanh thu của các dự án BOT, trong thực tế, có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, đại biểu Mạc đề nghị tập trung xử lý đối với các dự án BOT, đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc, mà nguyên nhân phát sinh do khách quan, xuất phát từ những thay đổi trong cơ chế, chính sách hiện hành cùng những nguyên nhân bất khả kháng khác mà không phải do lỗi của nhà đầu tư; để đảm bảo quan điểm lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ (do bối cảnh thay đổi, các quy hoạch, chính sách bị thay đổi nhằm kiểm soát giá, miễn giảm mức phí ,số lượng trạm thu phí bị buộc phải giảm, lưu lượng xe bị phân chia thấp hơn nhiều so với so với phương án tài chính được phê duyệt ban đầu, …)
Đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh có các dự án BOT vướng mắc hiện nay, cùng rà soát, tổng hợp phân loại, báo cáo và trình Chính phủ, để Chính phủ có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền, theo hướng cho phép, nghiên cứu, tham mưu xây dựng một dự thảo Nghị quyết riêng của Quốc hội, để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa có thể tương tự như phương án xử lý vướng mắc đối với các dự án BT chuyển tiếp được đề cập tại Báo cáo giải trình số 9088/BKHĐT-PC, ngày 04 tháng 11 năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Báo cáo giải trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Quy hoạch) và Tờ trình số 675/TTr-CP, ngày 18 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ (Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu). Hiện nay dự án BOT tại một số địa phương đang vướng mắc, có liên quan như các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Phú Yên, Khánh Hoà,… cùng một số địa phương khác.
Đàm Huyền
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025