VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Thứ Sáu, 25 Tháng Mười, 2024 17 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều ngày 22/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng Đoàn cùng các đại biểu trong Đoàn tham gia phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên thảo luận ngày 22/10

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người  (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, gồm 8 chương và 65 điều (giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ các điều 34, 56, 58, 59; bổ sung các điều 21, 40 và 64; sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 02 điều). Tại phiên thảo luận đã có 12 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Chu Thị Hồng Thái, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong dự thảo luật như sau: Về nguyên tắc phòng, chống mua bán người Điều 4, tại khoản 5 và khoản 8 dự thảo Luật có quy định về hợp tác quốc tế, có nội dung trùng lặp, vì vậy đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung cụm từ “các cam kết, điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, là thành viên” và đề nghị viết lại như sau: “Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với pháp luật của Việt Nam, các cam kết, điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, là thành viên và pháp luật, tập quán quốc tế”; về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người (Điều 5), đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung từ “đối ngoại” vào khoản 1 để phù hợp với nội dung về hợp tác quốc tế tại Điều 4 của dự thảo Luật.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái phát biểu tại hội trường

Đồng thời, đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung thêm một khoản quy định về việc người tham gia phòng ngừa mua bán người được tham gia tập huấn, cung cấp các nội dung kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, các thông tin cần thiết để phục vụ tham gia phòng ngừa mua bán người (Điều 14); bổ sung thêm một nội dung vào khoản 1 Điều 33 đó là: “Bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án xét xử các tội phạm về mua bán người” với lý do: Tại điểm c, khoản 2 điều này quy định thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân gồm: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân. Trong đó, Tòa án xét xử các vụ án hình sự về mua bán người, nội dung bản án đã xác định rõ người là nạn nhân của tội phạm mua bán người, đây chính là tài liệu chứng nhận nạn nhân có hiệu lực pháp luật mà không cần thiết phải cấp thêm giấy xác nhận người là nạn nhân, người không là nạn nhân, tránh phát sinh thêm thủ tục không cần thiết.

Đàm Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *