VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phát biểu tại Hội trường vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Thứ Sáu, 25 Tháng Mười, 2024 49 lượt xem Chia sẻ bài viết:
Đại biểu Lưu Bá Mạc phát biểu tại hội trường

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 23/10 Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn do Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn cùng các đại biểu Quốc hội trong đoàn tham gia phiên thảo luận.

Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham gia phiên thảo luận tại Hội trường

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đây là dự án Luật có nhiều nội dung lớn, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp rộng, nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 7, đã có 122 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ và Hội trường, có 2 đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản. Chủ nhiệm Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 gồm 09 chương, 100 điều, giảm 02 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo luật. Đồng thời, cũng góp nhiều ý kiến vừa đề cập đến vấn đề tổng thể, vừa góp ý trực tiếp vào các điều khoản, điểm cụ thể và kỹ thuật soạn thảo văn bản để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ, khả thi, phát huy hiệu, lực hiệu quả khi luật được thông qua, nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tại phiên thảo luận tại Hội trường đã có 17 ý kiến đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo luật. Đồng thời các đại biểu góp ý trực tiếp vào các điều khoản, điểm cụ thể và kỹ thuật soạn thảo văn bản để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ, khả thi, phát huy hiệu, lực hiệu quả khi luật được thông qua, nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phát biểu tại hội trường đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Lưu Bá Mạc đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định giao Chính phủ ban hành các định mức kinh tế – kỹ thuật liên quan đến các nội dung được quy định tại Điều 19 về Biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam, để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, biên soạn, lưu giữ, truyền dạy, dịch thuật, biên tập, xuất bản sách; cân nhắc điều chỉnh, bổ sung phù hợp tại Điều 32 để đảm bảo rõ nghĩa hơn, không quy định chung, tất cả giống nhau, đồng thời có sự cân nhắc tính đồng bộ với khoản 4 Điều 11 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể là: “Việc bầu, cử người đại diện hoặc thành lập ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng là di tích Lịch sử – Văn hóa, danh lam thắng cảnh thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”. Đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc bổ sung thêm một khoản quy định về Hội truyền thống vào Điều 10 của dự thảo Luật nhằm đảm bảo việc sử dụng tên gọi trong thực tiễn thuận lợi, không bị nhầm lẫn, tranh cãi và có nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng cụm từ Lễ hội truyền thống hay Hội truyền thống; bổ sung thêm cụm từ “điều chỉnh biến động di sản tư liệu (nếu có)” vào khoản 1 Điều 54 về Kiểm kê di sản tư liệu và danh mục kiểm kê di sản tư liệu, đồng thời nên cân nhắc khoảng thời gian định kỳ “hằng năm”, có thể là 5 năm, tuỳ theo điều kiện thực tiễn tại địa phương.

Đại biểu Lưu Bá Mạc phát biểu tại hội trường

Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ đối với di tích phân bố từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh của tỉnh nào sẽ quyết định thành lập, đồng thời, làm rõ hơn cụm từ “trình cấp có thẩm quyền” ở đây là cấp nào? Đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định cụ thể về nhiệm vụ của Bảo tàng; thêm đối tượng được hưởng chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Hội di sản văn hoá, Hội bảo tồn dân ca, Hội văn nghệ dân gian; cân nhắc, bổ sung nội dung cấm “Cải tiến, thay đổi tiếng nói, chữ viết quốc gia và của các dân tộc Việt Nam khi chưa được Nhà nước cho phép”.

Đàm Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *