Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo: Công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024.
Tham gia thảo luận vào báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cơ bản nhất trí với các nội dung trong báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là trong báo cáo đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc. Đây là những kiến nghị qua nhiều kỳ họp đã được các đại biểu nêu và cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, bổ sung đối tượng là trẻ em nhóm tuổi nhà trẻ (từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi) được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa. Đại biểu cho rằng, theo Quy định tại Điều 7, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ngày 8/9/2020 của Chính phủ về Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, chỉ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo (từ 3-6 tuổi), trong khi đó trẻ thuộc nhóm trẻ cũng nằm trong đối tượng được điều chỉnh tại nghị định (Điều 2, phạm vi điều chỉnh có áp dụng đối với nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, các cơ sở này được phép nhận trông trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi) nhưng không được hỗ trợ. Trên thực tế có những trẻ em thuộc nhóm nhà trẻ đi học cùng anh/chị ở độ tuổi mầm non trong cùng một gia đình hoặc trên cùng một địa bàn, trong khi anh/chị được hỗ trợ ăn trưa, còn em thì không dẫn đến các phụ huynh có tâm lý chờ con đến tuổi mầm non mới cho đến lớp, ảnh hưởng đến công tác huy động trẻ em nhóm trẻ ra lớp và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mầm non.
Đại biểu cũng cho rằng, thực hiện chủ trương về sắp xếp tinh gọn bộ máy nhằm tiết kiệm ngân sách, tinh gọn bộ máy cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và hạn chế tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đại biểu hoàn toàn nhất trí với chủ trương này và cần phải thực hiện quyết liệt hơn theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại ngày khai mạc kỳ họp thứ 8.
Tuy nhiên, đối với ngành giáo dục, nhất là địa bàn miền núi còn có những khó khăn, bất cập, việc sắp xếp chủ yếu là dồn các điểm trường về trường chính hoặc sáp nhập các trường trên cùng địa bàn thành các trường liên cấp (cấp tiểu học vào THCS thành trường TH&THCS, cá biệt có trường có cả cấp mầm non, do không đủ tiêu chí thành lập riêng trường mầm non); có nơi khoảng cách 2 trường khá xa (cách nhau đến 20km), quy định về định mức giờ dạy đối với 2 cấp học khác nhau (cấp tiểu học 23 tiết/ tuần, cấp THCS là 19 tiết/tuần); phụ cấp đứng lớp cấp tiểu học 50%, cấp THCS là 35%, tiêu chí về cơ sở vật chất của trường liên cấp, chế độ cho giáo viên trong đó có chế độ phụ cấp đối với giáo viên tiểu học dạy lớp ghép một số môn học như Tiếng anh, Tin học chưa được hỗ trợ. Quyết định số 15/2010 của Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định phụ cấp cho giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh tiểu học là giáo viên dạy Toán và Tiếng Việt, hiện nay cũng không còn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do thiếu giáo viên nên nhà giáo phải giảng dạy lớp ghép rất nhiều, rất vất vả cho các thầy cô, nhưng kinh phí cấp theo biên chế nên cũng rất eo hẹp.
Tại dự thảo Luật Nhà giáo đã có nội dung quy định về nhà giáo dạy liên trường, liên cấp và giải quyết được nhiều vấn đề bất cập về việc thiếu giáo viên. Tuy nhiên, trong khi chờ Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành, cử tri kiến nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn đối với mô hình trường liên cấp, giáo viên dạy liên trường, liên cấp và tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2010 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ kinh phí cho giáo viên bộ môn dạy lớp ghép ở cấp tiểu học để năm học tới giáo viên dạy liên trường, liên cấp, dạy lớp ghép yên tâm công tác.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) với đa số phiếu tán thành thông qua.
Quỳnh Lan
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kiến vào Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Ban Dân tộc HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra nội dung trình kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra các nội dung trình tại kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh cuối năm 2024 (Phiên họp ngày 26/11/2024)
Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu góp ý vào báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Quyết định của UBND tỉnh; kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND tỉnh; việc giải quyết kiến nghị cử tri và kiểm tra tình hình, kết quả tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn kiến nghị của công dân năm 2024
Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tình hình thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 tại huyện Bình Gia
Khảo sát Dự án Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn