VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Thứ Hai, 4 Tháng Mười Một, 2024 7 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Chiều 31/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua năm 2008, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2014, là cơ sở pháp lý cao nhất, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Đây là lần lập pháp thứ ba về bảo hiểm y tế.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, cùng với việc thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, việc xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại kỳ họp này cho thấy Quốc hội và Chính phủ khóa XV đang hết sức nỗ lực để thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng về việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách đã đề ra trong Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về các nội dung: Quy định liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; về mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế; phương thức đóng bảo hiểm y tế; thẻ bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế; mức hưởng bảo hiểm y tế; vấn đề thông cấp khám bệnh, chữa bệnh.

Nhiều ý kiến thảo luận tại tổ và dư luận ủng hộ việc thiết lập cơ chế có tính đột phá để người dân, nhất là người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh sử dụng kỹ thuật cao không còn lệ thuộc vào thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nữa, mà có thể đến bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào theo nguyện vọng của mình. Từ đó cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp để thiết kế ở các Điều 21, 22 và 23. Đây là những vấn đề rất cấp bách vì lợi ích tốt nhất cho Nhân dân cần có quyết tâm cao và sự thay đổi mạnh mẽ của hệ thống y tế, để chính sách đột phá có tính khả thi. Bên cạnh đó, cũng còn có ý kiến lo ngại điều này sẽ tạo ra áp lực quá tải dồn về bệnh viện tuyến trên, làm hạn chế hoạt động của y tế cơ sở….

Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tại phiên thảo luận.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để đồng bộ với một số Luật liên quan đã được Quốc hội thông qua và khắc phục được những vướng mắc, bất cập của Luật BHYT hiện hành.

Góp ý về đối tượng tham gia BHYT, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho biết, tại khoản 3, Điều 9, sửa đổi bổ sung Điều 12, nhóm do Ngân sách nhà nước đóng, đại biểu nhất trí với dự thảo Luật đã bổ sung nhiều đối tượng để phù hợp với các Luật vừa ban hành và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm đối tượng là người cư trú tại các xã biên giới vào điểm o.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái phát biểu thảo luận tại hội trường

Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái, người dân khu vực biên giới cần có chính sách bền vững, mang tính đặc thù, mặc dù được lồng ghép với các chính sách khác nhưng khi những chính sách đó không còn nữa thì người dân khu vực biên giới cũng không còn được hưởng.

Đại biểu nhấn mạnh, muốn phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới cần phải có người dân sinh sống và cùng phát triển nhưng để thu hút người dân tự nguyện đến định cư, sinh sống tại các khu biên giới đất liền như mục tiêu của Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì ngoài việc bố trí nơi ở, nơi sản xuất, cần có chính sách an sinh xã hội lâu dài, ổn định, tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân để họ yên tâm công tác, lao động, sản xuất và chính sách về bảo hiểm y tế là một chính sách thiết thực, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, cũng là mong muốn của người dân khu vực biên giới nhiều năm qua.

Đại biểu cho rằng đây là nguyện vọng chính đáng mà mỗi người biên giới cũng chính là “một cột mốc sống” xứng đáng được hưởng, không chỉ hộ nghèo, hộ làm nông nghiệp, không chỉ hộ đồng bào dân tộc thiểu số mà rất cần thu hút được các hộ sản xuất kinh doanh, thương nhân đến phát triển khu vực biên giới như vậy các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khu vực biên giới đất liền mới có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Từ đó, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra xem xét, bổ sung đối tượng người đang cư trú tại các xã biên giới vào điểm o, khoản 3 và được viết lại như sau: “Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người dân tộc thiểu số đang cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người đang cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang cư trú tại xã biên giới, xã đảo, huyện đảo”.

Nguyễn Đình Tuân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *